Tháo gỡ các vướng mắc, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu gạo Việt Nam
Bộ NN&PTNT đề xuất phương án giao một đơn vị sự nghiệp quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam. Đơn vị này có thể triển khai chứng nhận chất lượng, chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp TCVN để cấp đăng ký sử dụng nhãn hiệu gạo Việt.
Khó khăn trong triển khai
Quá trình từ xây dựng, đăng ký một nhãn hiệu đến xây dựng, phát triển thành thương hiệu uy tín, nổi tiếng cần nhiều thời gian, đầu tư về nhân lực, vật lực với quá trình bền bỉ, tích cực của chủ thể và các bên liên quan. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) từ năm 2018, công bố nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã gặp một số khó khăn dẫn đến việc chậm triển khai.
Đến nay, việc triển khai, sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam tại thị trường trong nước vẫn chưa thực hiện được. Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc việc quy định thủ tục chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1499 của Bộ NN&PTNT có chứa thủ tục hành chính và chưa bảo đảm các tiêu chí quy định thủ tục hành chính để thực hiện.
Mặt khác, do Quyết định 1499 không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chưa giao đơn vị quản lý sử dụng để triển khai cấp thủ tục sử dụng nhãn hiệu gạo. Về chủ sở hữu nhãn hiệu gạo Việt Nam, hiện Bộ NN&PTNT đang là chủ sở hữu.
Từ năm 2019 đến 2021, đã có một số ý kiến về việc chuyển thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền quản lý sử dụng từ Bộ NN&PTNT cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên theo quy định, cơ quan, tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần phải có chức năng kiểm soát, chứng nhận sản phẩm, không tiến hành sản xuất kinh doanh.... Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam sang cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam quản lý, sử dụng cần phải tiến hành sửa đổi Điều lệ hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Giao đơn vị sự nghiệp quản lý nhãn hiệu gạo Việt
Ông Hòa cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phương án tháo gỡ các vướng mắc trên và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu gạo Việt Nam.
Theo đó, Bộ đề xuất phương án giao một đơn vị sự nghiệp để quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo. Căn cứ Khoản 4, Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện của đơn vị được giao cấp sử dụng nhãn hiệu là yổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc, không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó.
“Vì vậy, Bộ không thể giao cho các đơn vị hành chính thuộc Bộ do phát sinh tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ. Bộ cần giao cho đơn vị sự nghiệp để có thể triển khai chứng nhận chất lượng, chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp TCVN để cấp đăng ký sử dụng nnhãn hiệu gạo Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường giải thích.
Để thực hiện được đề xuất này, Bộ NN&PTNT có thể lựa chọn phương án trình Chính phủ ban hành một nghị định hoặc một quyết định cấp Chính phủ về Quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư quy định cụ thể quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo, bảo đảm tuân thủ theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.