Tháo gỡ điểm nghẽn để đồng bằng sông Cửu Long bứt phá
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang mắc kẹt trong 'vòng xoáy đi xuống' do thiếu hụt đầu tư trầm trọng dù đầu tư công đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2015-2023. Các chuyên gia cho rằng để ĐBSCL bứt phá, cần tập trung nguồn lực đầu tư vào hạ tầng chiến lược kết nối vùng với Đông Nam Bộ và thế giới, chuyển đổi số toàn diện và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) công bố “Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2024”. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, giai đoạn 2015-2023, đầu tư công vào ĐBSCL tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cũng tăng đáng kể, tạo động lực mạnh cho phát triển vùng so với các giai đoạn trước đó. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, giúp cho ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng khá và duy trì ổn định trong nhiều năm qua, thậm chí một số tỉnh năng động đã bứt phá với mức tăng trưởng cao và nguồn thu ngân sách địa phương được cải thiện mạnh.

ĐBSCL đang được đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông. Trong ảnh là Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tuy nhiên, ông Jonathan London, cố vấn kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Việt Nam nhận định: ĐBSCL vẫn còn những thách thức gốc rễ về mặt cấu trúc như nền kinh tế của khu vực vẫn bị chi phối bởi nền nông nghiệp năng suất thấp và không đa dạng. Đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn tụt hậu so với các vùng khác, kỹ năng của lực lượng lao động và năng suất lao động tiếp tục tụt hậu so với các khu vực khác. Tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, đang ngày càng gây tổn hại đến sinh kế và đời sống người dân,… Và nhiều người trẻ vẫn đang rời đi, tìm kiếm cơ hội ở một nơi khác. Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024 chỉ ra việc thiếu hụt đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua.
Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp. Cụ thể, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở ĐBSCL chỉ chiếm 11,2% của cả nước, giảm từ mức 13,2% trong giai đoạn 2011-2016, thấp hơn tỷ lệ đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước. Đầu tư tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng nhất, cũng tăng trưởng chậm. Hệ quả là trong 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào ĐBSCL giảm từ 14,9% xuống chỉ còn 12,4%. Đáng chú ý, FDI vào ĐBSCL trong năm 2023 chỉ chiếm 2% tổng vốn FDI cả nước, phần lớn tập trung ở Long An, trong khi các tỉnh còn lại gần như vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản quan trọng của Việt Nam mà còn là một trong những vùng kinh tế có tiềm năng phát triển đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, vùng cũng còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ như: việc đầu tư vào ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ lệ vốn đầu tư công chỉ chiếm chưa đến 10% tổng đầu tư cả nước, trong khi đầu tư tư nhân và FDI vẫn còn hạn chế; hệ thống hạ tầng giao thông và logistics chưa đồng bộ,… Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2024 nhận định: “Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đầu tư không thể dàn trải, cần chọn đúng các ưu tiên đầu tư về hạ tầng chiến lược giúp kết nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ và thế giới, chuyển đổi số toàn diện để nâng cao năng suất lao động, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, bền vững môi trường. Đồng thời, đầu tư về nhân lực cho các ngành chiến lược, có lợi thế đặc thù, đa dạng hóa để xây dựng nền kinh tế hiện đại và dẻo dai, quan tâm đầu tư năng lượng tái tạo làm đòn bẩy cho công nghiệp - công nghệ xanh”.
Ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng nếu có thể tháo gỡ các điểm nghẽn trên, vùng ĐBSCL có thể trở thành cực tăng trưởng mới, thậm chí là vùng kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến hiện đại và kinh tế tuần hoàn”. Trong 20 dự án FDI đầu tư vào ĐBSCL trong quý I/2025, đã có tới 17 dự án vào Long An. Về dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), Long An hiện có 2.269 dự án với tổng vốn đầu tư 507.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ USD. Theo Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An, tỉnh đã khai thác hiệu quả tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý khi Long An vừa là cửa ngõ ĐBSCL, vừa là địa phương kết nối với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Tiếp đến là làm tốt công tác quy hoạch, huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh.