Tháo gỡ khó khăn không chỉ cho riêng Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có khoảng 10 nội dung có quy định vượt trội so với quy định chung dành cho cả nước…

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh).

Phát biểu trong thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vào sáng 27-11, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu điều chỉnh của Hà Nội và giúp cho Thủ đô có thêm sức bật về thể chế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, một số nội dung được xem là vượt trội như tờ trình có đề cập thực chất là những quy định có tính tháo gỡ những bất cập của các quy định chung mà địa phương nào cũng cần chứ không phải chỉ riêng ở Hà Nội.

Ví dụ, quy định về ký hợp đồng có thời hạn khi có nhu cầu với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm tại Điều 16 hoặc quy định về thu hút nhân tài tại Điều 17 của dự thảo Luật là những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn chứ chưa cho thấy sự vượt trội.

Các quy định về liên kết giáo dục công lập nước ngoài hay mô hình các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học tại Điều 24 rõ hơn về tính vượt trội vì cả nước không được áp dụng cơ chế này.

“Những quy định này phát huy hiệu quả ở hầu hết các địa phương và vẫn hoàn toàn áp dụng được ở các địa phương khác có điều kiện chứ không phải là quy định mang tính khai phóng những nguồn lực mang tính riêng có của Hà Nội. Vậy, cần phải nghiên cứu thêm các quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội”, đại biểu nêu.

Hai là, dự thảo Luật có khoảng 6 nội dung được thể chế từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù dành cho thành phố Hồ Chí Minh. Các quy định này áp dụng cho Thủ đô cần phải xem xét thêm, vì mặc dù đều là các đô thị đặc biệt nhưng thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự khác biệt về nhu cầu quản trị, điều hành.

Ngoài ra, bản thân các quy định của Nghị quyết số 98/2023/QH15 được ban hành trên cơ sở đề xuất giải quyết những điểm nghẽn tại chỗ của thành phố Hồ Chí Minh và cũng là những nội dung được áp dụng và chưa được sơ kết, tổng kết nên cần xem xét kỹ lưỡng và đánh giá trước khi đưa vào luật hóa.

Góp ý kiến về Điều 20, biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, đại biểu cho rằng, đây là điều luật quy định về biện pháp tổ chức thực hiện chứ không đưa ra quy định mang tính quy phạm chung của Luật.

Các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm trong đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm trong đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội quy định các vấn đề về tổ chức bộ máy, quyền con người, quyền công dân và các chính sách cơ bản về ngành, lĩnh vực. Tại Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền của Chính phủ, quy định về các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Do đó, đại biểu đề nghị bỏ Điều 20 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thay vào đó bổ sung quy định: “Chính phủ quy định chi tiết biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch”.

Điều 49, về lĩnh vực liên kết của vùng Thủ đô, dự thảo Luật liệt kê 10 lĩnh vực liên kết vùng Thủ đô được ưu tiên mặc dù cho thấy tính chiến lược. Tuy nhiên, theo đại biểu, điều này có thể gây ra khó khăn trong quá trình liên kết thực tế, đặc biệt với các lĩnh vực cần được ưu tiên nhưng không thuộc 10 nhóm trên. Do đó, các lĩnh vực liên kết trong nội bộ vùng nên để cho Hội đồng điều phối vùng quyết định chứ không nên đưa vào Luật này.

Điều 50, về Hội đồng điều phối vùng Thủ đô, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, nội dung quy định tại Điều 50 chưa đầy đủ về vị trí, tính chất pháp lý, nguyên tắc hoạt động của hội đồng này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thao-go-kho-khan-khong-chi-cho-rieng-ha-noi-649474.html