Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã mở các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo, đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn. Song, hiện vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Lao động nông thôn huyện Tuy An học nghề dệt chiếu. Ảnh: NGỌC HÂN

Lao động nông thôn huyện Tuy An học nghề dệt chiếu. Ảnh: NGỌC HÂN

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhu cầu thiết thực để trang bị cho người lao động có nghề và chủ động tìm việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp.

Còn nhiều bất cập

Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, gồm: Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc tỉnh; Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh); 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) các huyện, thị xã.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm 2023, toàn tỉnh mở 39 lớp đào tạo cho 1.046 lao động, đạt 56% kế hoạch. Kinh phí đào tạo nghề được sử dụng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương lồng ghép. Trong đó chủ yếu đào tạo lao động tham gia sản xuất trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương (mía, sắn, bò).

Hiện nay chưa đào tạo được lao động thuộc các làng nghề tham gia phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn và tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương.

Tại hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT mới đây, ông Phan Văn Đoan, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Sơn Hòa cho biết: Với hơn 80% dân số làm nông nghiệp, công tác đào tạo nghề nông nghiệp luôn được huyện Sơn Hòa quan tâm. Năm 2023, huyện tổ chức 10 lớp nghề cho hơn 320 LĐNT.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn chưa được thường xuyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến một số đối tượng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ học nghề nông nghiệp. Cơ sở, trang thiết bị của cơ sở đào tạo cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, LĐNT cũng chưa mặn mà với việc học nghề.

Còn ông Nguyễn Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Hòa chia sẻ: Thời gian đào tạo các lớp học nghề khoảng 3 tháng nên học viên chỉ mới nắm sơ bộ cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản; tư duy và kỹ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng. Đặc biệt, hiện nay Nhà nước chỉ hỗ trợ học viên là hộ nghèo, cận nghèo, còn LĐNT không được hỗ trợ nên rất khó vận động họ học nghề.

Theo ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB&XH), cơ chế, chính sách liên quan đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh còn chậm và chưa kịp thời dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch ở địa phương còn lúng túng; chương trình khung và định mức chi đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng) tại các cơ sở dạy nghề và mức hỗ trợ kèm nghề, truyền nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để đào tạo nghề cho LĐNT không còn phù hợp quy định hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương nhưng chưa được điều chỉnh hoặc thay thế. Kinh phí hỗ trợ cho người lao động tham gia học nghề còn thấp, chưa đủ thu hút lao động quan tâm học nghề; không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, lao động tại địa phương hiện nay chủ yếu là người cao tuổi, số lao động độ tuổi thanh niên, trung niên ở lại địa phương còn rất ít. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT ở các địa phương chưa hiệu quả; những thông tin về nghề học, địa chỉ đào tạo, việc làm sau học nghề... còn hạn chế.

Nâng cao chất lượng, đa dạng nghề đào tạo

Theo đánh giá của Sở NN&PTNN và Sở LĐTB&XH, qua thời gian triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT, ngành nghề đào tạo chưa định hướng phù hợp với hướng phát triển KT-XH và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động; chưa gắn kết cao với giải quyết việc làm cho người lao động và sản xuất các sản phẩm chủ lực ở địa phương, sản phẩm có giá trị kinh tế gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Thị Thủy cho biết: Trong năm 2024, tỉnh sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó chú trọng đào tạo các nghề để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án mà ngành NN&PTNT chủ trì như: Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam; mỗi xã một sản phẩm; phát triển du lịch nông thôn.

Đồng thời đào tạo cho người lao động biết nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn; kinh doanh nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh cũng kịp thời bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều LĐNT và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới, như: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; makerting, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và giám đốc HTX nông nghiệp…

Toàn tỉnh phấn đấu năm 2024 đào tạo nghề cho 2.395 LĐNT. Tỉ lệ LĐNT qua đào tạo đạt 78%, trong đó qua đào tạo nghề nông nghiệp đạt trên 54%.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314185/thao-go-kho-khan-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon.html