Tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNNVV
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ lâu đã được xem là 'xương sống' của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay đã sáp nhập với Bộ Tài chính), cả nước hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó gần 98% là DNNVV.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và là một trong những lĩnh vực ưu tiên nên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất, tiếp cận vốn... Song song với đó, các NHTM chủ động triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành riêng cho DNNVV. Thống kê cho thấy, các DNNVV tiếp cận nguồn vốn chủ yếu qua các NHTM, chiếm tới 90%. Hiện đã có 103/120 TCTD phát sinh cho vay DNNVV, tập trung khối NHTM Nhà nước và NHTMCP. Thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào khoảng 13,6% và có gần 210 nghìn DNNVV còn dư nợ. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy DNNVV phát triển.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam chia sẻ, hiện nay, cầu vốn của doanh nghiệp tư nhân hầu hết đều dựa vào ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng là “phao cứu sinh” về vốn cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Tỷ lệ dư nợ của doanh nghiệp có thể nói là rất cao. Dư nợ cao chứng tỏ các DNNVV đang phát triển.
Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành những quyết sách quan trọng và nhiều hành động quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trong tình hình mới. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi và tăng trưởng sau thời gian khó khăn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp bứt phá, ông Hùng đề nghị ngành Ngân hàng có thêm chính sách, thể chế hỗ trợ cho vay doanh nghiệp.

Trước nhu cầu vay vốn lớn của các DNNVV, thời gian qua, các TCTD đã tích cực triển khai nhiều gói giải pháp tín dụng cho vay lĩnh vực này. Ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB chia sẻ, ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là DNNVV và triển khai nhiều gói tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất linh hoạt, ưu đãi so với lãi suất cho vay thông thường. Với những doanh nghiệp có năng lực tốt, SHB sẽ kết nối các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi và tăng thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh cũng như tiếp cận nguồn vốn bằng hình thức tín chấp. Bên cạnh đó, SHB thường xuyên nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm quy trình phê duyệt giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
VietABank cũng vừa chính thức triển khai chương trình cho vay gián tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (quỹ SMEDF), với lãi suất cho vay ngắn hạn là 1,2%/năm, trung dài hạn là
4,4%/năm và hạn mức cho vay lên tới 80% tổng vốn đầu tư, giúp doanh nghiệp chủ động tài chính, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả.
Mặc dù các ngân hàng đã rất nỗ lực, nhưng thực tế cũng có một số doanh nghiệp phản ánh còn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Vấn đề này, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội nhận định, một trong những thách thức lớn nhất mà DNNVV gặp phải là quy mô nhỏ, công nghệ yếu, tài sản đảm bảo hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng… Trong khi đó phía các TCTD cũng thận trọng trong việc cho vay không có tài sản đảm bảo đối với DNNVV, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia cho rằng cần triển khai các giải pháp đồng bộ từ phía ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Về phía doanh nghiệp, cũng cần chú trọng nâng cao năng lực tài chính, minh bạch hóa hồ sơ tài chính và cải thiện năng lực quản trị. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cho biết, các doanh nghiệp mong muốn ngành Ngân hàng xây dựng nhiều gói tín dụng riêng biệt cho vay theo từng lĩnh vực, ngành nghề và đẩy mạnh việc cho vay tín chấp để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn. Ngân hàng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian xử lý hồ sơ.
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp… Việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của cả ngân hàng và chính bản thân các doanh nghiệp. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, có thể tạo ra một môi trường tài chính thuận lợi, giúp DNNVV phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thao-go-kho-khan-ve-von-cho-dnnvv-161789.html