Tháo gỡ những điểm nghẽn, phân cấp, phân quyền cho hoạt động chính quyền địa phương
Làm rõ một số nội dung về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật phân định, làm rõ, hoàn thiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho địa phương với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
![Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_338_51482646/08d71d162e58c7069e49.jpg)
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần 9, sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, phần lớn đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương với tư duy đổi mới; thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả"; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương. Đặc biệt, các đại biểu còn băn khoăn về nguyên tắc phân cấp, phân quyền cũng như có cơ chế để địa phương chủ động, sáng tạo hơn.
Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong điều kiện đang thực hiện cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn.
Làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,cho biết: Nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật, cốt lõi là 3 vấn đề: Thứ nhất, phân định, làm rõ, hoàn thiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho địa phương với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Thứ 2, xây dựng cơ chế pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, những vấn đề vướng mắc đang tồn tại trong các luật chuyên ngành, đảm bảo thực hiện được nguyên tắc phân cấp phân quyền. Nếu không sửa đổi được nội dung này thì rất khó thực hiện. Bởi hiện nay, có tới 152 luật quy đinh rất cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng, 141 luật quy định cụ thể thẩm quyền của HĐND, UBND, chồng chéo 92 luật đều là nhiệm vụ, hoạt động của chính quyền địa phương. Nếu không có cơ chế pháp lý để tháo gỡ thì rất khó khăn. Chúng tôi đề xuất sửa đổi toàn diện, tuy nhiên cũng có những vấn đề ổn định để đảm bảo vận hành thông suốt của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp bộ máy.
Tại phiện thảo luận, các đại biểu quan tâm có ý kiến nhiều về nguyên tắc phân cấp, phân quyền địa phương; thẩm quyền phân cấp và ủy quyền. Tại dự thảo luật, việc thíet kế tổ chức của chính quyền địa phương có đổi mới hơn, đảm bảo yêu cầu vận hành sau khi sắp xếp bộ máy.
![Đại biểu Quốc hội tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_338_51482646/8e859544a60a4f54161b.jpg)
Đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, mục tiêu là phân định rõ cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đảm bảo được thông suốt. Với các ý kiến làm sao để chính quyền địa phương chủ động sáng tạo trong vận hành và đảm bảo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Dự thảo Luật được thiết kế tổng thể và thể hiện được sự chặt chẽ, rành mạch, mối quan hệ tương tác, trách nhiệm của các chủ thể phân cấp, phân quyền với chủ thể nhận phân quyền, phân cấp; phù hợp với phương thức quản lý và pháp lý. Tính liên thông giữa Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về phân cấp phân quyền, là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề trong luật chuyên ngành.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tránh tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Dự thảo Luật vừa có kế thừa, vừa đổi mới thể hiện rõ được trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm tập thể HĐND, UBND, và phát huy vai trò của người đứng đầu của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.