Mỹ chi 4,6 tỷ USD nhập khẩu gỗ từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2025

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của cả nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Ngoài Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là hai thị trường lớn tiếp theo, chiếm 12,6% và 10,4%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định mức tăng trưởng ổn định tại thị trường Mỹ là tín hiệu tích cực, phản ánh sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội thất sau thời gian suy giảm. Đồng thời, điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động thích ứng tốt trước các yêu cầu ngày càng khắt khe về thuế quan, nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng từ phía đối tác Mỹ.

Trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, đồ nội thất bằng gỗ tiếp tục chiếm tỉ trọng vượt trội, khoảng 85,7% tổng kim ngạch trong 5 tháng đầu năm. Ghế khung gỗ là mặt hàng chủ lực, đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao thứ tư trong nhóm sản phẩm. Các mặt hàng nội thất phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ cũng đạt kim ngạch lần lượt là 793,1 triệu USD và 664 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm như gỗ nguyên liệu, ván và ván sàn (377,2 triệu USD), cửa gỗ (14,3 triệu USD), đồ gỗ mỹ nghệ (11,2 triệu USD)... Trong đó, đa phần sản phẩm đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực từ 5,1% đến 54,2%, ngoại trừ cửa gỗ sụt nhẹ 1%.

Ngành gỗ hiện nằm trong nhóm 5 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với quy mô hàng năm vượt 14 tỷ USD. Để duy trì đà tăng trưởng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh, và đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, nếu Mỹ áp thuế đối ứng 20%, các nhà nhập khẩu tại Mỹ sẽ là bên chịu áp lực đầu tiên. Tuy nhiên, nhà sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ phải chia sẻ một phần chi phí, ước tính từ 5-7%. Dù vậy, nếu doanh nghiệp tối ưu được quy trình sản xuất, mức này vẫn nằm trong khả năng chấp nhận và Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh.

Về nguồn nguyên liệu, năm 2024 Việt Nam đã chi hơn 2,6 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 6,5 triệu m³ gỗ nguyên liệu từ Mỹ, châu Âu và châu Phi - các khu vực có khả năng xác minh xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, Việt Nam cũng đạt mức xuất siêu lớn trong ngành gỗ với Trung Quốc, khi nhập khoảng 800 triệu USD nhưng xuất tới 2 tỷ USD. “Không có số liệu nào cho thấy có hiện tượng trung chuyển gỗ qua Việt Nam”, ông Phương khẳng định.

Hiện, khoảng 60-65% nguyên liệu đầu vào của ngành gỗ đến từ nguồn nội địa. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được việc sản xuất linh kiện, phụ kiện kim loại trong đồ nội thất, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cảnh báo cạnh tranh đang gia tăng không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam - những đơn vị có lợi thế về vốn và kinh nghiệm, đồng thời tận dụng nhân công và nguyên liệu tại chỗ.

Trong thời gian tới, HAWA sẽ phối hợp với các hiệp hội logistics tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch và chứng minh tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trong các sản phẩm xuất khẩu.

Về dài hạn, ông Phương đề xuất Chính phủ cần chủ động xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục xuất khẩu và sớm đàm phán các quy tắc xuất xứ với Mỹ, đặc biệt với nhóm sản phẩm chế biến từ gỗ Mỹ nhằm tận dụng tối đa ưu đãi nếu Mỹ điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng linh hoạt.

Nhiều chuyên gia nhận định nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ bị điều tra thương mại, áp thuế hoặc kiểm soát chặt truy xuất nguồn gốc vẫn hiện hữu, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường năng lực sản xuất và kiểm soát toàn diện chuỗi cung ứng.

Thiên Bình

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/my-chi-4-6-ty-usd-nhap-khau-go-tu-viet-nam-trong-nua-dau-nam-2025-320476.html