Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 3 - Không để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân

Đến ngày 30/6/2024, chủ đầu tư (CĐT) nào còn để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) ở mức 0% thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. UBND tỉnh kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2024 vì lý do chủ quan… Đó là chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm siết chặt kỷ cương trong giải ngân VĐTC và đảm bảo hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án.

Đến ngày 30/6/2024, chủ đầu tư (CĐT) nào còn để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) ở mức 0% thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. UBND tỉnh kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2024 vì lý do chủ quan… Đó là chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm siết chặt kỷ cương trong giải ngân VĐTC và đảm bảo hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án.

Thành phố Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cấp thoát nước và chỉnh trang đô thị trên địa bàn.

Thành phố Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cấp thoát nước và chỉnh trang đô thị trên địa bàn.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư

Đến ngày 31/5, kết quả giải ngân VĐTC năm 2024 của tỉnh mới đạt 15% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và 13% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Trong đó, tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn đạt thấp, như: vốn ngân sách Trung ương (trong nước) 8%; vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) 3%; vốn nước ngoài (ODA) 20%... Riêng kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, tỷ lệ giải ngân thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ đạt 0,7%; số giải ngân của 3 CTMTQG là 23%, cũng thấp so với kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân 5 tháng của 3 CTMTQG chỉ đạt 3% đối với nguồn vốn được giao năm 2024 (tức 19,1/650,451 tỷ đồng); đạt 23% đối với nguồn vốn năm 2022, 2023 được phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2024 (tức 45,5 tỷ đồng/193,515 tỷ đồng). Với kết quả này, 3 CTMTQG được xác định là có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Vì thế, vừa qua đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với một số địa phương nhằm đánh giá tình hình, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tiến độ triển khai thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn tỉnh đang chậm so với cả nước và chậm khá nhiều so với yêu cầu, kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là các dự án thuộc 3 chương trình được phân bổ chi tiết chậm, hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng để giải ngân. Số vốn đã giải ngân đến thời điểm này chủ yếu từ những dự án được kéo dài thời gian giải ngân từ năm 2022, 2023 sang năm 2024. Ngoài ra, nguyên nhân còn do các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều nội dung, cơ chế thực hiện và cách thức triển khai mới so với giai đoạn trước, trong khi các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, dẫn đến lúng túng trong thực hiện, nhiều nội dung mặc dù đã được bố trí vốn nhưng không thể triển khai, phải điều chỉnh hoặc chậm được giải ngân…

"Xác định thực hiện tốt 3 CTMTQG là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chủ quản khẩn trương rà soát vướng mắc trong phân bổ, giải ngân nguồn vốn để kịp thời đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền. Riêng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn chuyển tiếp sang thực hiện năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu CĐT nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân 100% số vốn đã được chuyển nguồn. Các CĐT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp không đáp ứng tiến độ giải ngân và bị cắt, điều chuyển vốn về Trung ương" - lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định.

Đối với các dự án đầu tư công (ĐTC) đang triển khai trên địa bàn tỉnh, trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm đạt thấp, UBND tỉnh yêu cầu làm rõ vai trò, trách nhiệm của CĐT; các cơ quan, đơn vị, địa phương và CĐT phải nghiêm túc thực hiện phân công, phân nhiệm, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân. Trên cơ sở rà soát và phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án ĐTC, UBND tỉnh yêu cầu các CĐT tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong việc GPMB dự án; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân của từng dự án; khẩn trương chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công theo hợp đồng đã ký kết và thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay đối với những khối lượng hoàn thành, không để dồn thanh toán đến cuối năm. Đối với các dự án phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, yêu cầu CĐT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, gửi Sở NN&PTNT để thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định.

Không để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân

Thực tế triển khai các dự án ĐTC cho thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân. Về cơ chế chính sách, khó khăn trong công tác GPMB vẫn được coi là "nút thắt” lớn đối với nhiều dự án. Tuy nhiên, việc tách GPMB thành dự án độc lập vẫn chưa được triển khai rộng (Luật ĐTC mới quy định các dự án nhóm A, dự án trọng điểm quốc gia được phép tách GPMB thành dự án độc lập). Thêm vào đó, những khó khăn khi thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, những khó khăn trong tổ chức thực hiện (một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư còn mất nhiều thời gian; các dự án ODA phải thực hiện nhiều thủ tục và qua nhiều bước…) đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đặc biệt, những nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân VĐTC được xác định là: Vai trò của người đứng đầu tại một số CĐT chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực của nhà thầu còn yếu; một số CĐT chưa chủ động kiểm tra, đôn đốc, chưa chú trọng công tác quản lý cả về hồ sơ và thi công tại hiện trường; có nơi, có lúc vẫn còn tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần nên để dồn thanh toán đến cuối năm…

Tới đây, UBND tỉnh sẽ có chế tài xử lý nghiêm các CĐT, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân VĐTC. Để các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết tâm phấn đấu giải ngân VĐTC năm 2024 đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh chỉ đạo đưa tỷ lệ giải ngân VĐTC vào tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ năm 2024. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và các đơn vị có liên quan sẽ phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chậm trễ triển khai tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dẫn đến không đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án ĐTC.

Đặc biệt, thực hiện siết chặt kỷ cương trong giải ngân VĐTC, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở KH&ĐT chủ trì việc tổng hợp, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để tham mưu đề xuất điều chuyển vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch đã được giao cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Tất cả các giải pháp chỉ đạo trên đều nhằm tập trung khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ triển khai dự án, hướng tới mục tiêu đến ngày 31/1/2025, tỉnh giải ngân đạt 100% kế hoạch VĐTC Thủ tướng Chính phủ giao.

(Còn nữa)

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/190627/thao-go-vuong-mac-tr111ng-giai-ngan-von-dau-tu-cong.htm