Tháo gỡ vướng mắc việc xử lý tài sản khi thi hành án kinh tế
Theo các luật sư TP Hồ Chí Minh, sự chậm trễ trong xử lý tài sản, sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan tố tụng và những lỗ hổng pháp lý trong định giá tài sản đang gây cản trở lớn cho hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là với các vụ án kinh tế lớn.

Quang cảnh buổi hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" sáng 14/5.
Thi hành án thành công nhưng vẫn loay hoay với tài sản
Tại hội thảo Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với chủ đề "Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế", do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng trong ba năm gần đây, cơ quan thi hành án của thành phố đã thu hồi trên 50.000 tỷ đồng, chiếm từ 76% đến 96% tổng số tiền thi hành án trên toàn quốc. Tuy nhiên, thành tích này vẫn không thể khỏa lấp được những khó khăn thực tế trong việc xử lý tài sản ở các vụ án kinh tế.
“Giai đoạn truy tố, xét xử kéo dài; luật chưa rõ ràng nên nhiều đối tượng đã kịp thời tẩu tán tài sản. Tài sản là bất động sản thì xuống cấp, tiêu tốn nhiều chi phí bảo quản, lưu giữ. Có tài sản khi đưa ra thi hành án thì không còn giá trị như ban đầu. Ví dụ như vụ án Trương Mỹ Lan là một điển hình, trong đó cơ quan thi hành án TP Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), viện kiểm sát, tòa án và luật sư để xác định dòng tiền và tính chất pháp lý của tài sản. Tuy nhiên, ở nhiều vụ án khác, việc xác định tính chất sở hữu tài sản ai là chủ thật sự vẫn chưa được chú trọng ngay từ giai đoạn điều tra và xét xử, dẫn đến việc thi hành án rơi vào thế bị động", ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm.
Theo ông Hòa, hiện còn vướng mắc nổi cộm là xử lý các dự án, tài sản mà pháp lý chưa hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn hình thành. Ví dụ như vụ án Hứa Thị Phấn, bản án tuyên phát mãi dự án Bệnh viện Phú Mỹ (10 ha ở huyện Bình Chánh) nhưng giấy phép dự án đã hết hạn, không thể bán đất cũng không thể triển khai xây dựng, khiến cơ quan thi hành án không biết xử lý thế nào và phải liên tục kiến nghị hủy bản án.
“Đây là thực trạng phổ biến. Khi đến giai đoạn thi hành án thì giấy phép dự án đã hết hiệu lực, pháp lý không đầy đủ, cơ quan thi hành án lúng túng, không thể thực hiện, gây đình trệ kéo dài. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các loại tài sản khác như cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai, chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ ràng cách thức xử lý, khiến cơ quan thi hành án “vừa làm vừa dò đường”. Vì vậy, phải cơ chế pháp lý đặc thù để xử lý các loại tài sản này”, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi hội thảo sáng 14/5.
Tương tự, theo ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, thi hành án dân sự là khâu cuối cùng trong tiến trình tố tụng để thực thi phán quyết của tòa án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; góp phần thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Kể từ khi Luật Thi hành án dân sự được ban hành ngày 14/11/2008, tỷ lệ thi hành án thành công đã tăng đáng kể, từ 38,31% năm 2017 lên 51,84% năm 2024; số tiền thu hồi tăng từ 164.000 tỷ đồng lên hơn 500.000 tỷ đồng trong cùng kỳ. Đặc biệt, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần xử lý nợ xấu và khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Tuy vậy, ông Mai Ngọc Phước cho biết, thực tiễn thi hành án hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng liên quan đến nhà đất có giá trị lớn, nhưng pháp lý tài sản lại rối rắm, không rõ ràng, gây khó khăn khi triển khai các bước thi hành. Nhiều vụ việc lớn dù đã tuyên án nhiều năm nhưng vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.
Định giá tài sản thiếu thống nhất, dễ gây thiệt hại
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, còn nhiều bất cập trong công tác định giá tài sản để thi hành án. Thời điểm định giá hiện nay thường là khi có yêu cầu từ cơ quan tố tụng chưa hợp lý vì không phản ánh đúng giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội. Khoảng cách thời gian lớn giữa hai thời điểm này khiến người phạm tội có thể bị thiệt hại vì tài sản bị đánh giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm thực hiện hành vi. Chưa kể, hiệu lực của chứng thư thẩm định giá chỉ kéo dài 6 tháng. Nếu quá thời hạn này mà chưa kịp định giá lại, tài sản không thể đưa ra xử lý tiếp. Bên cạnh đó, phương pháp định giá hiện nay, đặc biệt là phương pháp so sánh còn thiếu minh bạch và thống nhất. Các đơn vị định giá thường thu thập thông tin từ các nguồn không chính thức như báo chí, mạng internet, làm dấy lên nghi ngờ về độ xác thực.

Các đại diện các sở ngành tham gia hội thảo để cùng tìm giải pháp thu hồi tài sản hiệu quả trong khi thi hành án.
“Chênh lệch định giá giữa các đơn vị có thể rất lớn. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xử lý tài sản mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản đặc thù như cổ phiếu, dự án đang hình thành… đồng thời thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn để đảm bảo tính khách quan, chuyên nghiệp”, ông Phan Trung Hoài nói.
Trong khi đó, Luật sư Lê Văn Hoan bổ sung rằng, cần sửa đổi quy định để không giao tài sản thi hành án cho cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng chuyên môn. Ngoài ra, cũng cần sửa đổi một phần các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai để bảo đảm tính đồng bộ và khả thi trong thi hành án dân sự.
"Việt Nam cần sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án dân sự để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung cơ chế xử lý tài sản chưa hoàn thiện pháp lý, hướng dẫn rõ ràng với tài sản đặc thù như dự án bất động sản, cổ phiếu, cổ phần… Mặt khác, cũng cần chuẩn hóa quy trình định giá, xác định thời điểm định giá hợp lý, bảo đảm công bằng cho các bên. Chỉ khi pháp luật đủ rõ ràng, linh hoạt và thống nhất, công tác thi hành án dân sự mới có thể phát huy hết vai trò là cánh tay nối dài thực thi công lý, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế bền vững", Luật sư Lê Văn Hoan nói.