THẢO LUẬN TẠI TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỂ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN

Sáng 09/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tại Tổ về nội dung này. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được tiến hành công phu, nghiêm túc, giải trình cặn kẽ, bảo đảm chi tiết các nội dung.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng

Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng,

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh bày tỏ đồng tình với các nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế với nhiều nội dung được giải trình, làm rõ một cách cặn kẽ. Dự thảo Luật lần này so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã bảo đảm chi tiết. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh ghi nhận nếu như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đưa ra nhiều phương án quy định đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, thì dự thảo Luật trình lần này cơ bản thống nhất các nội dung.

Tuy nhiên đại biểu Hoàng Quốc Khánh cũng cho rằng qua lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, trong đó có nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau nhưng các cơ quan chưa thể hiện rõ quan điểm. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị đối với những vấn đề qua lấy ý kiến còn khác nhau, các cơ quan vẫn có thể tiếp tục thiết kế các phương án để tiếp tục thảo luận.

Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, đại biểu Hoàng Quốc Khánh lưu ý còn một số nội dung vướng mắc trên thực tiễn nhưng dự thảo Luật lại chưa tháo gỡ như quy định liên quan đến sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh chỉ rõ việc quy định chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân nhưng lại không quy định về xác định giá đền bù thì sẽ tiếp tục gặp vướng mắc. Có trường hợp dự án người dân không đồng thuận với giá đền bù, phương án đề bù và so sánh với địa phương khác và yêu cầu giá quá cao, việc hai bên không đi đến thống nhất dẫn dến kéo dài thời gian thực hiện dự án ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Có trường hợp, người dân không nắm được về dự án chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện áp đến bù với giá rẻ, lúc này quyền lời người dân bị ảnh hưởng.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc mức giá tại thời điểm thỏa thuận mức thấp nhất phải bằng giá nhà nước quy định và mức tối đa; cũng như cần có cơ chế giải quyết xử lý trong trường hợp chỉ còn số ít người dân không đồng thuận với giá đền bù mà người dân mà dự án đình trệ không thực hiện được.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị cần quy định rõ mục tiêu ban hành luật, trong đó cần bổ sung mục tiêu về giảm khiếu kiện về luật đất đai, phân phối lại chênh lệch địa tô, tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đây cũng là cơ sở để giải thích luật trong quá trình áp dụng luật có cách hiểu hay thực hiện chưa thống nhất.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Cho ý kiến về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị trong dự thảo Luật phải quy định lộ trình, trình tự, thủ tục xác minh, thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận. Đại biểu cho biết trên thực tế diện tích đất ở trải qua rất nhiều thời kì khác nhau là rất lớn. Có nhiều hộ dân đang được sử dụng đất ở rất rộng nhưng lại hạn chế diện tích đất được cấp sổ đỏ là 900m mà không có xác minh cụ thể để xác định được thông tin về đất. Khi đó, người dân sẽ không hợp tác. Do đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng Luật cần có quy định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chắc chắn hơn.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, dự thảo Luật lần này chưa “cởi trói” được cho condotel. Đại biểu làm rõ, căn hộ condotel được xây dựng trên đất thương mại và tính tiền thuê hàng năm nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận cho người mua căn hộ condotel lại vướng ở vấn đề phải tách thửa, gắn với quyền sử dụng đất. Nêu rõ, đây là vấn đề dự thảo Luật chưa giải quyết, đại biểu đề nghị phải xác định được condotel là hàng hóa có thời hạn, được khấu hao dần với công trình xây dựng trên đất thương mại hay là một tài sản gắn với sở hữu chủ với tư cách là một bất động sản.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị trong Luật cần đưa ra phương thức nhất quán để đánh giá và xác định phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường là phương pháp nào. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng xác định giá đất có mối liên hệ giữa việc khảo sát, đánh giá nhất là các khu vực có giá đất phức tạp với bảng giá đất. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa có lời giải, chưa có cách xử lý trong trường hợp giá đất thực tiễn có sự vượt trội so với bảng giá đất.

Có cùng quan tâm đến việc xác định giá đất, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu nêu rõ vấn đề tài chính đất đai, xác định giá đất là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và người dân đặc biệt quan tâm. Đại biểu lưu ý nguyên tắc xác định giá đất cần bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa tổ chức tư vấn, giữa Hội đồng thẩm định giá và cơ quan/người có thẩm quyền quyết định giá đất. Tuy nhiên cũng trong dự thảo luật cũng có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người quyết định giá đất cụ thể đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền song cũng có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể. Như vậy không bảo đảm tính khách quan, cần được xem xét điều chỉnh, sửa đổi.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng chỉ rõ dự thảo Luật quy định Sở Tài nguyên Môi trường vừa có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc giao đất, cho thuê đất cho tổ chức nhưng đồng thời cũng lại tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá đất để tính tiền thuê đất, thu tính tiền thu tiền thuê đất dễ dẫn đến chủ quan. Đại biểu đề nghị nên giao trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về định giá đất cụ thể cho Sở Tài chính chủ trì và Sở Tài nguyên Môi trường sẽ là cơ quan phối hợp.

Quan tâm đến giá đất cụ thể được áp dụng cho các trường hợp, trong đó trường hợp tính tiền sử dụng đất khi gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà làm thay đổi hệ số sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức sử dụng đất chưa thỏa đáng và còn có sự mâu thuẫn với trong trường hợp là làm thay đổi mật độ sử dụng đất, chiều cao, chiều sâu của công trình nhưng không làm thay đổi về hệ số sử dụng đất. Đại biểu đặt vấn đề trong trường hợp này có phải xác định lại giá đất hay không.

Tán thành với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm xử lý trong dự thảo Luật, trong đó có việc phải làm rõ hơn các quy định về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất và quy hoạch sử dụng đất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương yêu cầu đất đai phải được điều tra, đánh giá, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế. Do đó, trong dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về vấn đề này hoặc có thể nằm rải rác ở các chương nhưng cũng phải quy định đầy đủ các nội dung này, để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đây là vấn đề căn cốt để quản lý tài nguyên, nguồn lực đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhấn mạnh trong tài chính đất đai thì vấn đề khó nhất chính là định giá đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay trong dự thảo Luật phải quy định các nguyên tắc xác định giá đất và các phương pháp xác định giá đất để Quốc hội cho ý kiến. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu đây là vấn đề phải tường minh và trình cả Quốc hội cùng bàn thảo, xem xét, quyết định thì sẽ tốt hơn việc chờ Luật Đất đai được ban hành xong Chính phủ mới đi nghiên cứu, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 04:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tham dự phiên thảo luận

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tham dự phiên thảo luận

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76849