Thảo luận tại tổ về các dự án Luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều nay 8/5, Quốc hội thảo luận Tổ về các dự án Luật: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Thanh Tra (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng hai thuộc tính đóng vai trò then chốt, quan trọng trong nguyên tắc hoạt động thanh tra là độc lập trong hoạt động và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, nhưng dự thảo Luật lần này lại thiếu các quy định về cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, đặc biệt là trong tình hình thực hiện chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy khi không còn tổ chức thanh tra cấp huyện, thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: NL
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, tránh lạm dụng, tha hóa quyền lực, đồng thời bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ số, phần mềm quản lý thông tin về kế hoạch, kết luận thanh tra để phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thanh tra nhằm bảo đảm công khai minh bạch, thông suốt, tránh gây nhiêu khê, khó khăn cho các tổ chức và cá nhân.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra cấp tỉnh, đại biểu cũng nhận định: việc bỏ thanh tra cấp huyện đặt ra khoảng trống nhất định trong công tác giám sát ở cơ sở, đặc biệt ở các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, khiếu kiện như: đất đai, xây dựng, môi trường, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ... và thanh tra tỉnh trở thành tuyến đầu chịu trách nhiệm chính.
Tuy nhiên, lực lượng thanh tra tỉnh không thể ‘bao quát’ toàn bộ địa bàn rộng lớn nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền cấp xã – nơi trực tiếp nắm tình hình thực tế và diễn biến tại địa phương.
Nếu không có cơ chế phối hợp rõ ràng, UBND cấp xã có thể vừa ban hành, vừa giám sát các quyết định của chính mình – một vòng lặp dễ dẫn tới sự tùy tiện. Chính vì vậy, đại biểu khẳng định: việc luật hóa cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với chính quyền cấp xã là cần thiết không chỉ là yêu cầu của Luật Thanh tra, mà còn là đòi hỏi từ thực tiễn quản lý nhà nước.
Phát biểu ý kiến về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình về việc thành lập Ủy ban thẩm phán, tòa chuyên trách trong cơ cấu tổ chức tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, đề nghị cần có quy định cụ thể về phạm vi quyền hạn, quy trình quyết định của Ủy ban thẩm phán nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử cũng như mối quan hệ giữa tòa chuyên trách với Ủy ban thẩm phán.
Đại biểu cũng đề nghị nên tổ chức các tòa chuyên trách phù hợp theo số lượng, đặc thù của từng địa phương, tránh phân chia quá nhiều tòa chuyên trách có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng có một số ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thao-luan-tai-to-ve-cac-du-an-luat-193520.htm