Thảo luận tại Tổ về chính sách giáo dục và miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Chiều 22/5, tại Tổ 19, Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai và Quảng Bình đã tiến hành thảo luận tại Tổ.

Các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí: Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh chi phí giáo dục ngày càng là gánh nặng với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Dự thảo mở rộng đáng kể phạm vi thụ hưởng; miễn học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở công lập và hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở ngoài công lập. Điểm mới đáng chú ý là đề xuất hỗ trợ học phí cho cả người học chương trình giáo dục phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - nhóm đối tượng lâu nay ít được quan tâm nhưng đang gia tăng về số lượng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn lực thực hiện; tổng kinh phí tăng thêm ước tính khoảng 9 nghìn tỷ đồng/năm học đặt ra thách thức cho nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ khả năng cân đối ngân sách, có phương án chi trả hỗ trợ trực tiếp cho người học để bảo đảm minh bạch, đồng thời tránh trùng lặp với các chính sách hiện hành được quy định trong Luật Giáo dục và các nghị định hướng dẫn.

Về dự thảo Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi: Việc ban hành Nghị quyết góp phần thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện từ sớm, phù hợp với xu hướng quốc tế và các cam kết của Việt Nam trong các công ước về quyền trẻ em. Việc phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 5 tuổi là bước tiếp theo sau khi đã hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi, nhằm tạo nền tảng tốt hơn khi trẻ bước vào tiểu học.

Dự thảo xác định mục tiêu phổ cập toàn quốc vào năm 2030, yêu cầu hệ thống trường lớp, giáo viên và cơ sở vật chất phải được đầu tư mạnh mẽ. Tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi khoảng 116 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030... Một số đại biểu đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện, ưu tiên các địa bàn khó khăn trước, có cơ chế xã hội hóa phù hợp để giảm áp lực ngân sách nhà nước; bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết; rà soát quy định giữa các văn bản để bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo giữa các chính sách hiện hành và dự thảo mới.

Về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN): Các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDĐNN đến năm 2030, cho rằng đây là một công cụ quan trọng nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tam nông. Trải qua hơn 30 năm thực hiện, chính sách này đã góp phần giảm gánh nặng tài chính cho nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an sinh cho người dân vùng nông thôn.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra điểm bất cập trong thực hiện chính sách liên quan đến miễn thuế đồng loạt, không gắn với điều kiện sử dụng đất hiệu quả đã vô hình trung khiến một bộ phận đất nông nghiệp bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, dẫn đến lãng phí tài nguyên; thực tế này đi ngược lại tinh thần của Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, các ý kiến đề nghị cần thiết kế lại chính sách theo hướng có điều kiện: Chỉ miễn thuế cho diện tích đất được sử dụng đúng mục đích nông nghiệp; loại trừ đất bỏ hoang từ 2 năm trở lên hoặc sử dụng không có giấy tờ hợp lệ.

Về hình thức ban hành, có ý kiến cho rằng, việc liên tục ban hành các nghị quyết của Quốc hội ngoài khuôn khổ Luật Thuế SDĐNN hiện hành (năm 1993) là không ổn định về mặt pháp lý, cần sửa đổi toàn diện Luật Thuế SDĐNN, tích hợp các chính sách miễn, giảm hợp lý và có điều kiện để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả dài hạn

Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện nội dung các dự thảo Nghị quyết, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật, tính khả thi khi thực hiện, và phù hợp với thực tế của từng địa phương. Các đại biểu kỳ vọng những chính sách này sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt, toàn diện trong phát triển nông nghiệp và giáo dục - hai trụ cột quan trọng bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thao-luan-tai-to-ve-chinh-sach-giao-duc-va-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-233182.htm