THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN CHẶT CHẼ HƠN NỮA TRONG QUẢN LÝ QUẢNG CÁO THUỐC, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Chiều 18/6, tại Nhà Quốc hội, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Nhiều đại biểu đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa với quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý.

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu cũng đánh giá, dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này liên quan đến nhiều luật khác như Luật Thương mại, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Quảng cáo, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư… Do vậy, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, trong đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tương ứng trong dự thảo Luật khi có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các luật hiện hành.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược hiện thời sẽ sửa đổi, bổ sung 44 điều, chỉnh lý từ ngữ trong các điều còn lại, tức là số điều sửa đổi đã vượt hơn một nửa tổng số điều trong luật. Tuy nhiên, đến nay cơ quan soạn thảo vẫn chưa gửi tới các đại biểu Quốc hội bảng so sánh giữa dự thảo Luật sửa đổi với Luật hiện hành. Nhấn mạnh tầm quan trọng của bảng so sánh, đại biểu cho biết tài liệu này sẽ giúp nhìn nhận rõ những điểm sửa đổi cụ thể, làm rõ căn cứ, nguyên nhân sửa đổi, hướng sửa đổi của các điều, khoản. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa, cung cấp bổ sung các tài liệu cần thiết để dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được rõ ràng hơn, giúp các đại biểu Quốc hội nắm vững, hiểu rõ vấn đề, tạo cơ sở cho việc bấm nút thông qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần quan tâm đến việc mua bán thuốc, thực phẩm chức năng trực tuyến, đây là vấn đề rất nhức nhối trong thời gian qua, khi chất lượng nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng bày bán trên các sàn thương mại điện tử không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Đề nghị siết chặt quản lý việc mua bán thuốc trực tuyến, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần quy định cụ thể, cơ sở, đơn vị, công ty bán thuốc trực tuyến phải có đăng ký, phải đảm bảo về chất lượng, phải chịu trách nhiệm nộp thuế. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn nữa việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, một số nội dung chính sách mới, nằm ngoài 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ, như: quy định cho phép cá nhân có chứng chỉ hành nghề phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cấp thêm 01 chứng chỉ hành nghề với vị trí hành nghề khác; quản lý oxy y tế; bổ sung trường hợp thuốc không phải đăng ký lưu hành là thuốc sản xuất, pha chế tại cơ sở sản xuất để sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, do chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng, nên các đại biểu Quốc hội cũng chưa có cơ sở để quyết định, vì vậy, các nội dung này chưa nên được xem xét quy định trong luật.

Thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cần hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng đối với vấn đề quy định điều kiện phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện thông tin quảng cáo thuốc. Thực tiễn, việc quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng còn tràn lan, nếu bỏ việc xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quảng cáo thuốc thì sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hại, vì thuốc là mặt hàng đặc biệt, có tác động trực tiếp và nhanh chóng tới sức khỏe của con người. Đại biểu nêu quan điểm, cần đặc biệt cẩn trọng với những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, vì vậy, nên có đánh giá tác động kỹ lưỡng để có cơ sở đưa ra quy định phù hợp với thực tiễn cũng như mục đích xây dựng luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, kịch bản phổ biến của các chương trình quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng hiện nay là thực hiện tiểu phẩm giới thiệu thuốc bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, truyền miệng giữa các nhân vật không có chuyên môn y tế. Chính kịch bản quảng cáo này đã tô đậm thêm thói quen sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng không qua tư vấn của đội ngũ y bác sĩ, những người có chuyên môn, mà chỉ qua giới thiệu của người quen thân. Đại biểu cho rằng, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa đối với việc quảng cáo thuốc để thay đổi tư duy lựa chọn, sử dụng thuốc của người dân.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); khẳng định việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu./.

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu./.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87493