THẢO LUẬN TỔ 4: BỐI CẢNH NĂM 2023 ĐÒI HỎI NHỮNG GIẢI PHÁP KHÁC BIỆT, ĐỘT PHÁ, CỤ THỂ ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 25/5, thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra, song còn có những băn khoăn, lo ngại khi tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 có nhiều khó khăn. Các đại biểu cũng cho rằng cần có cái nhìn khách quan, toàn diện khi đánh giá đồng thời tập trung đề ra những giải pháp thực sự khác biệt, đột phá, cụ thể để phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay.

Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau

Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đồng tình với đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cho rằng các báo cáo cơ bản đã nhận diện đúng thực trạng tình hình. Đại biểu Lê Thanh Vân ghi nhận những kết quả nổi bật của năm 2022 cho thấy nỗ lực của toàn hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng đạt thấp. Đại biểu Lê Thanh Vân chỉ rõ, tác động của bên ngoài làm bức tranh 6 tháng đầu năm của nước ta có ảm đạm như số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số công nhân thất nghiệp tăng. Chỉ tính trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận đến 22.000 hồ sơ thất nghiệp. Trong khi đó, những hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ kịp thời và hiệu quả.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng đánh giá tình hình của năm 2023 cần có cái nhìn khách quan, không nên quá tiêu cực cho rằng nguyên nhân chỉ là do hạn chế trong quản lý điều hành mà cần cái nhìn tổng quan từ bên trong lẫn bên ngoài.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích, năm 2023 bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Đây cũng là những vấn đề đã được lường đến khi bàn về kịch bản phát triển của năm.

Đại biểu chỉ rõ, tình hình thế giới bất ổn do xung đột địa chính trị, chiến tranh, cạnh tranh của các nước lớn, một số thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do lạm phát, suy giảm kinh tế. Trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động từ diễn biến tình hình thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 cần thời gian để phục hồi. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng công tác cán bộ là gốc rễ cho nhiều vấn đề hiện nay. Bên cạnh đó là do chất lượng thể chế, vòng đời của các luật ngắn, chính sách ngắn hạn thường xuyên thay đổi; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp trong khi đây là một trong những động lực cho phát triển kinh tế.

Đại biểu Lê Thanh Vân tin tưởng rằng nếu có giải pháp đồng bộ thì kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn có thể bứt phá được. Đại biểu cho rằng Chính phủ cần có một chương trình cụ thể để đối phó ngắn hạn trước nguy cơ suy thoái (nếu có). Trong đó, tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ linh hoạt; điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, cần bắt tay ngay vào sửa đổi các luật về đầu tư và trước nhất chính sách ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, để không mất quyền đánh thuế, giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư; giải phóng năng lực trong nước với thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, các start up để có hệ thống doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, không nên hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự; cải cách thể chế xác định các đột phá tổ chức nhân sự, đột phá kinh tế, đột phá về văn hóa giữ bản sắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ; tăng lương, cải cách tiền lương.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Quan tâm đến các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng báo cáo của Chính phủ không có sự khác biệt so với các năm trước đây. Đại biểu nêu rõ bối cảnh của năm 2023 có những điểm khác biệt khiến cho kinh tế tăng trưởng chậm thì cần phải có những giải pháp cho tăng trưởng và kích thích nền kinh tế. Đại biểu gợi ý trong bối cảnh nguồn vốn cho nền kinh tế hạn chế thì cần có giải pháp để tiết kiệm các chi phí như chi phí logistic, đẩy mạnh cải cách để doanh nghiệp không còn mất nhiều chi phí không chính thức. Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, cần có nghị quyết của Quốc hội về phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới.

Có cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng doanh nghiệp trong nước mới chính là động lực cho sự phát triển, phải nuôi dưỡng nguồn lực nội tại là các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng nhận diện đúng và trúng vấn đề là để có giải pháp tương ứng phù hợp, nhưng các giải pháp được đề ra đến nay vẫn còn chung chung. Đại biểu cho rằng, đánh giá kinh tế thay vì say sưa với các chỉ số GDP hay GRDP, trong khi đánh giá sức khỏe thực chất của nền kinh tế còn cần nhiều chỉ số khác. Do đó cần có thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá thực chất.

Cập nhật thêm về kinh tế biển, đại biểu Nguyễn Chu Hồi chỉ rõ bức tranh kinh tế nước ta cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế yếu, năng lực ứng phó còn hạn chế, đòi hỏi giải pháp trước mặt và lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đồng tình với đề xuất của đại biểu Đinh Ngọc Minh, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng lưu ý thêm rằng cần quan tâm đến công tác quy hoạch. Đáng lẽ quy hoạch phải đi trước cho phát triển nhưng thực tế quy hoạch đi sau nhiều gây khó khăn nhất là ở địa phương, quy hoạch chưa xong mà sáng tạo đổi mới, mạnh dạn quyết định thì lại sợ sai phạm. Đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến vấn đề ngư dân - ngư nghiệp - ngư trường bởi đây không chỉ cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, bảo vệ lãnh thổ chủ quyền biển đảo, cần chính sách cụ thể, thực hiện đồng bộ để hướng đến nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Bày tỏ băn khoăn khi các báo cáo đều chỉ ra các chỉ số kinh tế đều đạt thấp, các địa phương nhất là các địa phương đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh bày tỏ đồng tình với các đại biểu phát biểu trước đó, cho rằng nhóm nhiệm vụ giải pháp năm 2023 đề ra còn chung chung, chưa thấy được giải pháp đột phá. Do đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cụ thể hơn, có được chương trình phát triển ngắn hạn để tính toán tập trung cho một số lĩnh vực, chú trọng tạo công ăn việc làm và phát triển doanh nghiệp là cần thiết.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh giải pháp về tháo gỡ vướng mắc thể chế. Đại biểu cho biết thời gian qua công tác giám sát ban hành văn bản được quan tâm, kiến nghị cử tri nêu nhiều về cải cách thể chế nhưng thực tế còn có nơi, có chỗ còn chậm trong giải quyết tháo gỡ vướng mắc.

Đại biểu chỉ rõ, ý kiến kiến nghị của cử tri và nhiều địa phương nhiều lần đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố nhưng đến nay vẫn chưa sửa. Hay vấn đề về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chính sách dân tộc một số các quy định về chỉ tiêu, tiêu chí còn cứng nhắc chưa phù hợp với đặc điểm tình hình nhưng chưa được sửa đổi…cần được rà soát, điều chỉnh để bảo đảm hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó là trong công tác cán bộ, một số cán bộ công chức né tránh trách nhiệm, cần phân tích làm rõ nguyên nhân để có giải pháp cho tình trạng này./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76213