THẢO LUẬN TỔ 5: CẦN THIẾT SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Sáng ngày 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người…

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 7 có bố cục gồm 8 chương, 66 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ được nêu trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đã được điều chỉnh tại Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cho rằng, Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Theo đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người sẽ giúp thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người như Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đảm bảo tính tương thích với với điều ước quốc tế. Đại biểu cho biết, quy định về mua bán người, nạn nhân bị mua bán theo quy định của Bộ luật hình sự hiện nay chưa hoàn toàn tương thích với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tại Công ước ASEAN về phòng chống mua, bán người.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

“Quan trọng, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ góp phần đáp ứng kịp thời công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc của Luật Phòng, chống mua bán người người năm 2011”, đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần xem xét lại nội dung về giải thích khái niệm “mua bán người” tại khoản 1 Điều 2. Theo đó, cần làm rõ hành vi mua, bán người là việc coi người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác; việc lợi dụng nhận con nuôi để sử dụng vào mục đích mua bán người cũng là hành vi mua bán người; việc tuyển mộ lính đánh thuê quy định tại Điều 424 Bộ luật Dân sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017 cũng được coi là hành vi mua bán người; hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để ép buộc làm vợ, ép buộc sinh con trái ý muốn của nạn nhân, hoặc ép buộc thực hiện các hành vi khác như: vận chuyển ma túy, hàng cấm qua biên giới… cũng là hành vi mua bán người; hành vi tuyển mộ, lừa gạt, mời gọi, đe dọa, dụ dỗ để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, lấy cắp thông tin… cũng thuộc hành vi mua bán người…

Bên cạnh đó đại biểu cho biết, tại khoản 1 quy định “việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động…”. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như vậy chưa phù hợp với Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể: tội mua bán người dưới 16 tuổi đã quy định hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền…là hành vi mua bán người. Do vậy, để tương thích với Bộ luật hình sự, đại biểu đề nghị hạ độ tuổi đối với người dưới 16 tuổi được coi là mua bán người.

Về quy định liên quan đến các biện pháp bảo vệ và bảo vệ bí mật thông tin, đại biểu đề nghị cần bổ sung các biện pháp bảo vệ như: giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ nhằm tránh lọt, lộ thông tin về người cung cấp tài liệu, chứng cứ và tránh lộ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và tình trạng của nạn nhân. Đồng thời, bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác nếu có căn cứ xác định người được bảo vệ có thể bị trả thù, đe dọa; và hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ nếu xét thấy việc đi lại của người được bảo vệ có thể gây ra lộ thông tin, bị đe dọa hoặc bị mua chuộc…

Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Góp ý về quy định liên quan đến thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người tại Điều 7, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị bổ sung cụm từ “vùng đồng bào dân tộc thiểu số” vào khoản 5 Điều 7 của dự thảo Luật. Theo đó quy định lại theo hướng: Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.

Bởi theo đại biểu, đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nạn nhân của vấn nạn mua bán người, là đối tượng luôn bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ nên rất cần được tiếp cận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người . Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm khoản 6 Điều 7 quy định về ngôn ngữ thực hiện tuyên truyền gồm: Tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số...

Cũng cơ bản đồng ý với việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tích cực tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, nhiều ý kiến đóng góp đã được tiếp thu kỹ lưỡng.

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Vương Quốc Thắng cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về chủ thể có trách nhiệm thực hiện tư vấn về phòng ngừa mua bán người. Theo đại biểu, Điều 8 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể việc tư vấn phòng ngừa mua bán người. Quy định này của dự thảo Luật sẽ góp phần đảm bảo quyền con người; đặc biệt hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được biết quyền của mình và được hướng dẫn cách thực hiện các quyền đó.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Điều 8 của dự thảo Luật chỉ mới quy định về nội dung các thông tin của hoạt động tư vấn phòng ngừa mua bán người mà chưa quy định về chủ thể sẽ thực hiện hoạt động tư vấn này, cũng như các vấn đề liên quan như: phí tư vấn, các trường hợp được miễn, giảm phí tư vấn…. “Để quy định này được thực hiện hiệu quả trên thực tiễn khi Luật được ban hành, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các nội dung nêu trên vào Điều 8 của dự thảo Luật.”, đại biểu Vương Quốc Thắng nêu ý kiến.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị nghị lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo để học sinh được tiếp cận các nội dung về phòng ngừa mua bán người, đồng thời cũng để phù hợp với các quy định tại Điều 16…

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Đại biểu Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87301