THẢO LUẬN TỔ 5: TIẾP TỤC RÀ SOÁT ĐỂ BẢO ĐẢM HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN 01 LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 04 LUẬT

Sáng ngày 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 là nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Dự thảo Luật được bố cục thành 05 Điều, cụ thể: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5. Hiệu lực thi hành.

Nội dung các điều được sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực ngày 01/01/2025. Nội dung chi tiết để đề xuất khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai được thể hiện chi tiết tại Tờ trình 322/TTr-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ.

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản ủng hộ với sự cần thiết ban hành Luật để đáp ứng sự trông chờ của người dân, doanh nghiệp, đồng thời cho rằng, thành phần các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Theo các đại biểu, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Do vậy, các đại biểu đều ủng hộ chủ trương để các Luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Để đảm bảo tính khả thi và chất lượng của dự án Luật sau khi ban hành, các đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung hơn nữa, đẩy mạnh việc chỉ đạo xây dựng các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn triển khai chi tiết để các luật sớm đi vào thực tiễn, chú trọng đảm bảo chất lượng của các văn bản khi ban hành. Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp…

Đặc biệt, các đại biểu đề nghị Chính phủ phải cam kết chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật. Theo đó, Chính phủ cần phải đưa ra cam kết rõ ràng gắn với trách nhiệm cụ thể của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng… nếu để chậm tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng của các văn bản hướng dẫn thi hành dưới Luật thì sẽ như thế nào? Bởi việc xây dựng các văn bản dưới Luật, các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Trên tinh thần ủng hộ vai trò, ý nghĩa quan trọng của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá, rà soát về mặt luật pháp, trình tự, thủ tục có điểm nào thuận, chưa thuận, điểm nào cần lưu ý… để bảo đảm không chồng chéo, không phát sinh phức tạp, không tạo khoảng trống pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của dự thảo Luật sau khi được ban hành.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang

Đại biểu Dương Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Dương Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Vạn Xuân – Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87540