Thảo luận Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Sáng 8/6, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Nam Định và Bình Dương thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều. Dự thảo Luật cơ bản thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), gồm: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Các đại biểu Quốc hội trong tổ cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người; đánh giá nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực này và Hiến pháp năm 2013.

Xuất phát từ đặc điểm tình hình mua bán người ở Việt Nam (địa bàn, đối tượng bị mua bán) chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, do đó các đại biểu đồng tình với quy định “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, các ý kiến đề nghị bổ sung thêm quyền “được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm” để nạn nhân sau khi trở về có công việc tạo thu nhập, qua đó ổn định cuộc sống, không trở thành đối tượng bị mua bán người.

Liên quan tới hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, các đại biểu trong tổ kiến nghị bổ sung quy định “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn trong thời gian tham gia vào quá trình tố tụng hình sự liên quan đến vụ mua bán người”. Thực tế, người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự liên quan đến mua bán người là nạn nhân; trong quá trình tham gia tố tụng thường phải di chuyển nhiều, nhiều trường hợp di chuyển gặp khó khăn, gây áp lực tài chính và có thể khiến nạn nhân ngần ngại khi tham gia vào quá trình tố tụng nên cần có sự hỗ trợ chi phí cũng như biện pháp bảo đảm an toàn cho họ tránh bị trả thù trong thời gian tố tụng.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thao-luan-to-ve-du-an-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-sua-doi-va-du-an-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-213328.htm