Thảo luận về dự thảo sửa đổi 4 luật: Đất đai; Nhà ở; Kinh doanh bất động sản; Các tổ chức tín dụng

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cuối giờ sáng 20/6, đại biểu Lê Tiến Châu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hải Phòng chủ trì phiên thảo luận tại Tổ số 4. Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao; Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ĐBQH thuộc các đoàn: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại phiên thảo luận đã có 5 ý kiến phát biểu về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nhất trí với chủ trương và sự cần thiết ban hành Luật này với cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực cho công tác triển khai thi hành Luật, khẩn trương hoàn thiện và kịp thời ban hành theo thẩm quyền tất cả các văn bản quy định; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật.

 Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Chú trọng công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật và các văn bản quy định chi tiết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện triển khai có hiệu quả 4 luật. Vấn đề này càng cần phải trú trọng quan tâm thực hiện có hiệu quả trong trường hợp Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, việc điều chỉnh hiệu lực theo hướng sớm hơn các luật đã thông qua có tác động rất lớn đến những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các luật này, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách, quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các chủ thể. Trong hồ sơ dự án Luật đã có một số tài liệu thể hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đã quan tâm thực hiện việc này và cũng là một trong những cơ sở thực tiễn để đề xuất điều chỉnh hiệu lực sớm hơn. Tuy nhiên, đây là việc hết sức quan trọng. Vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá tác động, trường hợp nếu có tác động bất lợi thì phải có giải pháp khắc phục phù hợp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp cũng như bảo đảm điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền thực thi.

Đánh giá về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng việc điều chỉnh hiệu lực của 4 luật cơ bản bảo đảm thống nhất. Quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã quan tâm thực hiện việc rà soát giữa 4 luật với nhau và giữa từng luật với các luật hiện hành, trên cơ sở đó bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật này với hệ thống pháp luật.

 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.

Đây là việc làm hết sức quan trọng, cần được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, đầy đủ để không phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá và bảo đảm tính thống nhất của không chỉ 4 luật này mà còn giữa 4 luật với các luật khác. Đơn cử như tại Luật Đất đai năm 2024, chương XVI về điều khoản thi hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật; bãi bỏ một số điều của 2 luật và 1 nghị quyết có liên quan đến Luật Đất đai như Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đầu tư, Nghị quyết 132/2020/QH14... Trong trường hợp này rất cần tiếp tục đánh giá làm rõ việc quy định thời điểm có hiệu lực sớm hơn của Luật Đất đai có ảnh hưởng gì đến việc áp dụng quy định của các luật này hay không?

Góp ý kiến về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cung cấp thông tin từ thực tiễn và đánh giá công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật kể từ khi được Quốc hội thông qua đến nay cơ bản đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

Riêng tỉnh Bắc Giang đã tích cực tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, triển khai, tuyên truyền đến đông đảo các đối tượng; biên soạn các tài liệu tuyên truyền; xây dựng chuyên mục riêng “Tìm hiểu pháp luật về đất đai” trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh… Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đánh giá đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên cần tiếp tục được tập trung thực hiện theo các chuyên đề chuyên sâu, nhất là sau khi các nghị định, thông tư, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết thi hành được ban hành.

Đối với nhiệm vụ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, từ khi các luật này được ban hành, Chính phủ đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, địa phương nỗ lực xây dựng, ban hành các văn bản. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy đến ngày 18/6/2024, hầu hết các văn bản này đều chưa được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành đang tích cực thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản và bảo đảm sẽ được ban hành trong tháng 6/2024. Vì vậy, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ, các bộ khẩn trương thực hiện quy trình và quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của các nghị định, thông tư. Trên thực tế, đến nay các địa phương đều mới chỉ ban hành được Danh mục văn bản Luật giao quy định chi tiết, chưa ban hành được văn bản và đang tích cực, khẩn trương chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, đánh giá, chuẩn bị các nội dung để sau khi các nghị định, thông tư được ban hành thì địa phương sẽ ban hành.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thao-luan-ve-du-thao-sua-doi-4-luat-dat-dai-nha-o-kinh-doanh-bat-dong-san-cac-to-chuc-tin-dung-125729.bbg