Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Chiều 28/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của một quốc gia rất quan trọng, có vai trò quyết định chất lượng các sản phẩm được tạo lập tại quốc gia đó. Trong hình thành năng lực cạnh tranh quốc gia, tiêu chuẩn, quy chuẩn có vai trò quan trọng như cơ sở hạ tầng. Vì vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sau 17 năm thực hiện là hết sức cần thiết. Đại biểu đồng tình cơ bản với nội dung dự thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Công nghệ, đồng thời có 2 ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung vào dự thảo.
Thứ nhất, Luật cần bổ sung một nguyên tắc tại Điều 6 là: Chính phủ cần có biện pháp để tạo cạnh tranh lành mạnh của thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; tránh xảy ra tình trạng độc quyền hoặc nhóm lợi ích. Trong thực tiễn, đã có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất gây ách tắc hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều tháng. Những năm gần đây đều đã xảy ra hiện tượng như vậy.
Một vài trường hợp điển hình như: Keo dán gỗ khi hàng nhập về đến cảng nhưng bị tắc lại do doanh nghiệp không thuê được đơn vị nào làm hợp quy, sau đó cơ quan quản lý đã phải chỉ định gấp đơn vị đánh giá để làm. Trường hợp quy chuẩn 5G cũng khiến mặt hàng điện thoại nhập khẩu ách tắc, sau phải xử lý tình huống là ban hành văn bản lùi thời gian áp dụng.
Đại biểu cho biết, hiện tại trong khi Quốc hội đang thảo luận về Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng, theo quy định hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra trước thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định nhưng cơ quan quản lý lại chưa có văn bản nào chỉ định đơn vị chứng nhận hợp quy nên các doanh nghiệp hiện cũng đang gặp khó.
Thứ hai, dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng thực trạng tiêu chuẩn, quy chuẩn có những bất cập vẫn diễn ra. Hiện chúng ta có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện nhưng thực tế, hầu hết các hoạt động, khi tiến hành thực hiện, người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.
Việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể gặp phải xu hướng đó là xây dựng quá chi tiết, quá thừa, chủ yếu quan tâm đến thủ tục thực hiện mà không ưu tiên theo hướng kiểm soát chất lượng khi kết thúc từng giai đoạn dẫn đến mất đi sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ, có thể còn lạc hậu khi công nghệ, vật liệu sử dụng đã thay đổi hoặc khi có tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chậm được ban hành để áp dụng. Để cải thiện việc này được bền vững, cách duy nhất là phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Luật cần bổ sung 1 điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, của Quốc hội; trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để bảo đảm các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nội dung các sáng kiến, giám sát, giải trình cần được thực hiện công khai và ghi nhận hoàn toàn trên môi trường số. Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết nội dung của điều này.
Thu Hằng