Tháp Đôi Quy Nhơn – di tích mang vẻ đẹp hiếm có ở vùng đất võ

Tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh) Quy Nhơn là công trình kiến trúc cổ đặc sắc của người Chăm xưa, mang giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.

Giới thiệu về tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh)

Tháp Đôi có tên gọi khác là tháp Hưng Thạnh, tọa lạc tại đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo tài liệu còn lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Tháp Đôi thì ngọn tháp này có niên đại từ cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. So với những tháp Chăm khác còn tồn tại trên đất Bình Định, tháp Đôi có vị trí gần biển nhất, cách bờ biển chỉ tầm 4km về phía Đông Nam.

Công trình tháp Hưng Thạnh Quy Nhơn gồm hai tháp. Ngọn tháp có kiến trúc độc đáo, là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Chămpa trên đất Bình Định. Năm 1980, tháp Đôi Hưng Thạnh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật.

Cách di chuyển đến Tháp Đôi Quy Nhơn

Tháp Đôi nằm gần trung tâm thành phố Quy Nhơn nên việc đi đến đây khá dễ dàng. Từ trung tâm thành phố đi tháp Hưng Thạnh, bạn có thể tham khảo cung đường sau: từ vòng xoay Võ Nguyên Giáp - Đống Đa - Trần Hưng Đạo, đi vào đường Trần Hưng Đạo và đi thẳng. Đến ngã ba, bạn rẽ phải và cứ tiếp tục đi men theo con đường này, đi thẳng là sẽ đến tháp Đôi Quy Nhơn.

Tháp Đôi Hưng Thạnh Quy Nhơn có gì đặc biệt?

Nghệ thuật kiến trúc độc đáo

Tháp Đôi được xây dựng theo cấu trúc độc đáo. Cả hai tháp thuộc tháp Đôi đều có phần cửa chính quay về hướng Nam, được xây bằng gạch nung. Các khối gạch xếp khít vào nhau và được kết dính với nhau bằng một chất kết dính đặc biệt. Đây được xem là một kỹ thuật xây dựng độc đáo của người Chăm mà đến nay vẫn chưa giải mã được.

Tháp Hưng Thạnh có cấu trúc gồm ba phần chính bao gồm chân tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Các hình trang trí ở những góc tháp được chạm khắc tinh xảo, sinh động như hình tạp chủng đầu voi mình sư tử, tượng chim thần Garuda, hình người ngồi 6 hoặc 8 tay bằng đá. Bên trong tháp lớn thờ linh vật Linga và Yoni được biểu thị thông qua hình tượng chiếc cối và chày giã gạo.

Tháp lớn: Cao khoảng 25m, được tạo dáng khá cân đối. Phần thân và phần mái được trang trí với những đường diềm hơi thắt lại tinh tế, khéo léo. Hai bên là hoa văn để đối xứng kết hợp với hình vũ nữ vòng quanh diềm mái vô cùng sống động, đẹp mắt. Ở giữa phần ngăn cách mái và thân tháp là hình tu sĩ ngồi thiền, hai bên có voi châu đối xứng. Các hình trang trí được chạm khắc khéo léo, tinh tế, thể hiện đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của người Chămpa.Tháp nhỏ: Tháp nhỏ cao 23m có cấu trúc tương tự tháp lớn. Điểm khác so với tháp lớn là phần diềm mái không trang trí bằng hình vũ nữ mà thay vào đó là hình một đàn hươu 13 con với nhiều dáng vẻ khác nhau trông vô cùng tinh nghịch.

Nơi phát hiện nhiều cổ vật quý giá

Nơi phát hiện nhiều cổ vật quý giá

Các hiện vật còn lại trong tháp Đôi Hưng Thạnh không nhiều, đa số không còn nguyên vẹn nhưng đều là những cổ vật quý giá. Đây là những sản phẩm điêu khắc độc đáo, tinh tế, thể hiện sống động đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo của người Chăm xưa.

Voi và thần điểu là các sản phẩm điêu khắc còn lại ở tháp Đôi. Các hiện vật phát hiện có mang phù điêu vũ nữ đang múa, phù điêu rồng, trụ có văn bia 3 mặt hay đầu bò Nandin. Các hiện vật đã được thông báo trên tạp chí chuyên ngành và hiện nay được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Bình Định.

Nơi lan tỏa giá trị văn hóa tinh thần to lớn

Tháp Đôi Hưng Thạnh là địa điểm du lịch Quy Nhơn nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về lối kiến trúc độc đáo của người Chăm Pa. Qua đó, hiểu hơn về đời sống tinh thần, văn hóa và lịch sử vùng đất Chăm xưa.

Đến với tháp Hưng Thạnh, du khách còn được xem những điệu múa của các cô gái Chăm trong trang phục truyền thống được phục dựng lại để phục vụ du khách. Điều này giúp lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần to lớn, mang dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa xưa rực rỡ.

Những lưu ý khi tham quan tháp Hưng Thạnh

Du khách lên kế hoạch tham quan tháp Đôi, nhớ bỏ túi một số kinh nghiệm, lưu ý quan trọng về thời gian mở cửa, thông tin giá vé và những nội quy sau:

Thời gian mở cửa: 7:00 - 11:30 | 13:30 - 17:00 (tất cả các ngày trong tuần)

Thông tin giá vé:

Giá vé tham khảo: 20.000 đồng/lần/người

Trẻ em dưới 6 tuổi, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật: miễn phí

Trẻ em từ 6 - 15 tuổi, đối tượng học sinh, sinh viên đi tham quan, nghiên cứu, học tập theo hình thức có tổ chức tại di tích (có giấy nhận của nhà trường): giảm 50% giá vé

Người từ 60 tuổi trở lên (có CCCD): giảm 50% giá vé

Khi vào tham quan di tích tháp Hưng Thạnh, không mang theo các vật dụng dễ cháy, chất nổ, vũ khí và những vật gây ô nhiễm môi trường.

Không thực hiện/hành nghề, các hoạt động mê tín dị đoanKhông chăn thả gia súc bừa bãi, không chặt cây, lấy đất, tài sản thuộc khu di tích tháp Đôi.

Không vứt rác, viết vẽ bậy, đập phá, đào bới trong khu di tích để tránh làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung.

Khi đến tham quan tháp Hưng Thạnh, du khách cần liên hệ với Bảo tàng tỉnh Bình Định để được hướng dẫn.

THẢO NGUYÊN (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thap-doi-quy-nhon-di-tich-mang-ve-dep-hiem-co-o-vung-dat-vo-ar891112.html