Thắp hương không ước 2 nguyện, bái Phật không cầu 3 điều
Người xưa thường có tục lệ truyền thống là gặp miếu thì thắp hương, thấy Phật thì bái lạy. Tuy nhiên, thắp hương và bái Phật cũng có nhiều quy tắc và điều kiêng kỵ.
Cổ nhân có câu: “Thắp hương không ước 2 nguyện, bái Phật không cầu 3 điều”.
Thắp hương không ước 2 nguyện
Không ước những điều không thực tế hoặc không thể đạt được
Nếu bạn mua một tờ vé số rồi chạy đến đền thắp hương và ước rằng “xin hãy cho con trúng giải độc đắc” thì điều này quả là viển vông. Nếu chỉ cần thắp hương rồi ước mà có thể trở nên giàu có chỉ sau một đêm thì tất cả mọi người đều có thể dễ dàng đạt được điều ước mà không cần làm việc gì cả.
Tất nhiên, đây chỉ là ví dụ. Trong cuộc sống thực tế không nhiều người thực sự làm như vậy. Tuy nhiên, nhiều người khi ước nguyện, họ không nhận ra rằng điều ước của mình cũng kỳ quặc như việc muốn trúng số độc đắc vậy.
Không ước những điều nguyền rủa người khác
Khi một số người tức giận hoặc tranh chấp với ai đó, họ muốn đạt được mục đích trả thù bằng cách phát ý muốn chửi rủa người kia, hành vi này thật trẻ con và lố bịch, chưa kể Thần, Phật không phải là công cụ của tà ác.
Dù cho bạn có trải qua điều khó khăn gì, bạn cũng nên đối mặt một cách đúng đắn, thay vì sử dụng cách thức ác độc và làm tổn hại đến phúc báo của bạn chỉ vì muốn giải tỏa sự oan trái trong lòng.
Nếu tin vào nhân quả thì phải biết có câu nói “Thần thông không bằng nghiệp lực”, cho dù thần linh, chư Phật có khả năng bảo hộ con người thì cũng không thể hóa giải được quả báo do nghiệp lực của chính con người gây ra. Hơn nữa, việc ước nguyện một cách bừa bãi hoặc nguyền rủa người khác là hành vi sỉ nhục Thần Phật.
Bái Phật không cầu 3 điều
Không cầu xin không bị bệnh tật
Không được cầu xin không bị bệnh tật, điều này có thể làm đảo lộn suy nghĩ của nhiều người, bởi vì hầu hết mọi người khi cầu nguyện hay bái Phật thường cầu xin không bị bệnh tật. Tuy nhiên, đối với những tín đồ thành kính chân chính thì họ sẽ không làm như vậy.
Người tu hành chân chính thì phải chấp nhận chịu 3 phần bệnh. Người xưa có câu: “Niệm thân bất cầu vô bệnh, thân vô bệnh, tắc tham dục nãi sinh”, nghĩa là không nên cầu thân thể không bị bệnh tật, thân vô bệnh thì lòng tham và dục vọng dễ dàng nảy sinh. Khi cơ thể ở trong trạng thái không bị bệnh tật, tinh lực sung mãn, người ta sẽ khởi dục vọng, không cách nào để tịnh tâm tu hành.
Nếu vượt quá 3 phần bệnh tật, con người khó lòng chịu được, vì vậy tốt nhất là duy trì trạng thái chịu 3 phần bệnh. Từ góc độ y học hiện đại, con người không có cách nào để cơ thể đạt đến trạng thái khỏe mạnh vô bệnh. Khi cơ thể chịu đựng một vài vấn đề nhỏ thì mới khiến cho cơ chế miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn.
Không cầu những ham muốn ích kỷ của bản thân
Ví dụ, khi nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, bạn có cảm giác muốn sở hữu, khi làm việc công bạn nghĩ ngay đến việc tham lam chiếm làm của riêng. Tất cả những suy nghĩ thỏa mãn ham muốn ích kỷ như vậy đều là xúc phạm đến thần linh và nhân cách của chính mình.
Không cầu xin thoát khỏi sự trừng phạt
Một người khi làm điều xấu, sau đó muốn cầu xin để được che chở và tránh bị trừng phạt, thường thì báo ứng sẽ đến nhanh hơn.
Trên thực tế, dù là cầu Phật hay bái Phật phù hộ, tất cả đều chỉ là cách tìm kiếm sự an ủi về mặt tinh thần. Dù bạn cầu Phật hay cầu người cũng vậy, suy cho cùng thì chúng ta nên tự cầu chính bản thân mình. Chỉ cần cư xử và hành động thuận theo thiên địa, làm nhiều việc lành tích đức, người tốt sẽ tự nhiên nhận được phúc báo.