Thắp lên hy vọng

Một loạt diễn biến tích cực tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Scotland đã thắp lên nhiều hy vọng cho cuộc chiến khí hậu toàn cầu.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland

Ảnh - Reuters

Đồng thuận Mỹ - Trung

Mỹ và Trung Quốc hôm 10.11 đã ra Tuyên bố chung có tên "Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020", trong đó, hai nước khẳng định cam kết cùng làm việc nhằm đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris, đồng thời kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực để thu hẹp khoảng cách đáng kể đang tồn tại để đạt mục tiêu này. Tuyên bố chung được đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua công bố bên lề COP26 ở Scotland.

Hai bên cũng cam kết giải quyết vấn đề phát thải khí methane và hợp tác trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, hạn chế sử dụng than đá, giảm phát thải carbon, và “thiết kế xanh và sử dụng tài nguyên tái tạo”. Tuyên bố chung của Washington và Bắc Kinh cho biết hai bên sẽ gặp nhau trong nửa đầu năm tới để bàn về biện pháp cải thiện khâu đo đạc và cắt giảm lượng khí thải methane. Theo một số nhà phân tích, cam kết cắt giảm phát thải khí methane của Trung Quốc là đáng chú ý bởi Bắc Kinh trước đó vẫn im lặng về vấn đề này.

Theo Reuters, cả hai bên đều kỳ vọng thỏa thuận sẽ giúp đưa hội nghị này đến thành công. Mỹ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, giới chuyên gia nhận định thỏa thuận mới có thể là động lực thúc đẩy các nước đi đến một thỏa thuận mạnh mẽ hơn tại Hội nghị COP26.

Cam kết từ bỏ than đá

Hôm 10.11, một dự thảo thỏa thuận dài 7 trang đã được công bố để các nước tham dự COP26 đàm phán và thống nhất. Đáng chú ý, dự thảo kêu gọi các quốc gia tăng cường mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 sau khi thừa nhận các cam kết hiện nay không đủ để ngăn nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này tăng không quá 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo tờ The Straits Times (Singapore), một số nội dung trong dự thảo ít nhiều mang lại lạc quan, như lần đầu tiên đề cập đến tiến trình loại bỏ "nhiên liệu hóa thạch" trong lịch sử gần 30 năm diễn ra các hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 190 quốc gia và tổ chức cam kết ngừng sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Mục tiêu đặt ra là loại bỏ điện than vào những năm 2030 (đối với các nền kinh tế lớn) và những năm 2040 (đối với các nền kinh tế nhỏ hơn).

Từ bỏ than đá được xem là một nỗ lực quan trọng nhằm giúp thế giới đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng từ 1,5 - 2 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

"Thế giới đang đi đúng hướng, sẵn sàng đặt dấu chấm hết cho than đá để nắm lấy những lợi ích môi trường và kinh tế từ năng lượng sạch" - Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng tuyên bố tại hội nghị.

Chuyên gia Chris Littlecott của Tổ chức Nghiên cứu biến đổi khí hậu E3G khẳng định, cam kết nêu trên của các nước "là một bước tiến lớn", một tín hiệu tích cực từng bị xem là điều không tưởng cách đây 1 hoặc 2 năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định cam kết ngừng sử dụng than đá vào những năm 2030 và những năm 2040 là chưa đủ quyết liệt, đặc biệt là khi nhiều nền kinh tế lớn phụ thuộc vào than đá như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ chưa ký thỏa thuận nêu trên.

Theo chuyên gia Jamie Peters của Tổ chức Môi trường Friends of the Earth, điểm mấu chốt trong thỏa thuận nêu trên là các nước về cơ bản vẫn được phép sử dụng than đá bình thường thêm nhiều năm.

Bà Elif Gündüzyeli, điều phối viên cấp cao tại Tổ chức Chống biến đổi khí hậu Climate Action Network Europe nhấn mạnh, dự thảo thỏa thuận được Chính phủ Anh công bố không phải là bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi năm 2030 phải là hạn chót loại bỏ than đá chậm nhất, chứ không phải là những năm 2030.

Cũng theo bà Gündüzyeli, so với năng lượng tái tạo, than đá hiện có giá cao hơn và "chẳng còn ai muốn bỏ tiền vào sản phẩm này nữa". Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh, thế giới phải chấm dứt mọi phát triển mới về nhiên liệu hóa thạch từ năm nay nếu muốn giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Bên cạnh đó, còn có câu hỏi được đặt ra liên quan đến cam kết than đá là liệu các nước có chuyển sang khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng hay không. Dù không gây ô nhiễm môi trường bằng than đá, khí đốt tự nhiên vẫn là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.

Cam kết của liên minh tài chính

Một cú hích đáng kể tại hội nghị kéo dài 1 tuần là việc các chế định tài chính bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm - chiếm khoảng 40% lượng vốn trên toàn cầu - đã cam kết nguồn tài chính lên tới 130 nghìn tỷ USD để đặt chống biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của họ, nỗ lực đưa đầu tư và tăng trưởng xanh lên một nền tảng mới vững chắc hơn. Họ cam kết thực thi “chia sẻ công bằng” trong nỗ lực “cai nghiện” nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.

Chủ trì hội nghị bàn tròn của GFANZ - Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) trong khuôn khổ COP26, Đặc phái viên khí hậu của Liên Hợp Quốc Mark Carney, đưa ra ước tính số tiền cần đầu tư trong ba thập kỷ tới là 100 nghìn tỷ USD và cho biết ngành tài chính phải tìm cách huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để nỗ lực chung sức cùng các chính phủ hành động.

Theo chuyên gia, một số mảnh ghép quan trọng về vấn đề tài chính hiện đang kết hợp lại với nhau để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng và các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon sang thấp hơn. Trong đó về nguồn vốn công, Mỹ cho biết họ sẽ hỗ trợ một cơ chế huy động tài chính mới cho năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững ở các thị trường mới nổi. Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, nước này sẽ cùng Anh ủng hộ Cơ chế Thị trường vốn mới của Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF). Cơ chế này sẽ giúp thu hút các quỹ khí hậu tư nhân mới và cung cấp 500 triệu USD mỗi năm cho Quỹ Công nghệ Sạch cũng như Chương trình đầu tư mới về tăng tốc chuyển đổi than của CIF.

CIF trong một tuyên bố hôm 4.11 cho biết, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Nam Phi sẽ là 4 quốc gia đầu tiên được hỗ trợ theo khuôn khổ của chương trình Tăng tốc chuyển đổi than đá (ACT). Trị giá hàng tỷ USD và nhận được cam kết ủng hộ tài chính từ Mỹ, Anh, Đức, Canada và Đan Mạch, đây là chương trình đầu tiên nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi xanh.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thap-len-hy-vong-6glna40piq-66106