Thầy cô vượt gian khó đem 'con chữ' đến với bà con vùng cao
Nhiều thầy cô giáo ngoài việc nỗ lực bám trường, bám bản còn rất trách nhiệm khi tham gia dạy lớp xóa mù chữ cho bà con vùng cao.
Nơi nhiều gian khó
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích hơn 4.859,41 km2. Tỉnh có 7 huyện Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn. Huyện xa nhất tỉnh là huyện Pác Nặm, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Bắc Kạn hơn 90km. Toàn tỉnh có 108 xã, phường, thị trấn, trong đó có 67 xã khu vực III. Dân số của tỉnh khoảng 324.000 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%.
Thời gian qua, Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh Bắc Kạn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có Chỉ thị, Nghị quyết và những định hướng lớn về việc thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo nói chung, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói riêng. Các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cơ bản đã tham gia, ủng hộ nhiệt tình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ xóa mù chữ của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu học tập của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng cao, nhận thức về vai trò của tri thức trong đời sống kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Đây là yếu tố quan trọng tác động tích cực tới công tác xóa mù chữ nói chung và xóa mù chữ nói riêng. Chất lượng đội ngũ dần được nâng cao, đội ngũ giáo viên, nhân viên nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm trong công việc, sẵn sàng tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như số xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt ở các xã khu vực III. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc huy động các nguồn lực cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Do điều kiện địa lý địa hình miền núi phức tạp, dân cư sống phân tán, xa trường học, đường sá đi lại không thuận lợi nên việc huy động người mù chữ ra lớp còn khó khăn. Nhận thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thật sự quan tâm đến việc học. Bên cạnh đó, phần lớn người mù chữ là người lớn tuổi, phải trực tiếp tham gia lao động sản xuất nên việc học diễn ra vào buổi tối dẫn đến tâm lý ngại đi học.
Nỗ lực đem con chữ đến với bà con
Là giáo viên trực tiếp phụ trách giảng dạy tại lớp xóa mù chữ ở thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cô giáo Hoàng Thị Niệm cho biết: Bà con ở đây đều là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người dân tộc Mông và Dao. Hoàn cảnh có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Bà con chưa nói được tiếng Kinh, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc, bên cạnh đó nhiều người đã lớn tuổi nên quá trình học gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, bà con khi được tuyên truyền vận động và hiểu được ý nghĩa, giá trị tầm quan trọng của lớp học xóa mù chữ đã tích cực, chủ động hơn trong việc học tập. Nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của các học viên, chính là niềm động viên khích lệ lớn nhất đối với mỗi giáo viên chúng tôi, nhờ đó chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để có thể truyền dạy, giúp bà con tiếp thu một cách tốt nhất.
Tương tự như cô Niệm, cô giáo Mai Dương Liễu, giáo viên lớp ghép 2 +3 điểm trường Bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn ngoài việc tích cực dạy chữ cho học sinh người DTTS cô Liễu cũng làm tròn vai, rất trách nhiệm khi chủ nhiệm lớp xóa mù chữ cho bà con nơi đây.
Là một cô giáo trẻ, nhưng cô Liễu cảm thấy vui vì đã góp chút công sức giúp bà con tìm kiếm con chữ. Cô Liễu chia sẻ: “Trong xã vẫn còn nhiều người không biết chữ. Đa phần do hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường nên việc học lỡ dở. Vì vậy, với nhiều người, chỉ cần sau một thời gian được hướng dẫn chỉ bảo tận tình là đã có thể nhận biết mặt số, mặt chữ, ghép vần, tính toán cơ bản.
Theo Cô Liễu, lớp học được mở ra đã tiếp thêm cho bà con niềm vui khi được đến trường cũng như sự tự tin khi ra ngoài xã hội. Do vậy, mỗi giờ lên lớp tôi phấn khởi vì làm được việc có ý nghĩa giúp bà con và cũng mong muốn sẽ lan tỏa năng lượng tích cực để bà con nỗ lực trên hành trình học tập của mình.
Như vậy, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các thầy cô giáo đang từng ngày bám trường, bám bản, tích cực truyền dạy kiến thức cho bà con DTTS đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở vùng cao.