Thay đổi cách dạy, cách học Ngữ văn đáp ứng yêu cầu mới

Định hướng ra đề theo Chương trình GDPT 2018 nói chung, môn Ngữ văn nói riêng đặt ra yêu cầu thay đổi cách dạy với giáo viên, cách học với học sinh.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THCS&THPT Phenikaa.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THCS&THPT Phenikaa.

Cơ hội sáng tạo, đổi mới cho giáo viên trong giảng dạy

Theo cô Nguyễn Khánh Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội), không giống như cách dạy trước đây, giáo viên chỉ cần tập trung đi sâu, luyện kĩ một tác phẩm cố định trong sách giáo khoa để học sinh “ghi nhớ”, thực hành; cách kiểm tra, đánh giá mới đòi hỏi giáo viên một tinh thần sẵn sàng nhập cuộc với những chăm chút, chuẩn bị công phu hơn.

Sự nỗ lực “dài hơi” ấy trước hết đến từ thay đổi tiên quyết: tư duy dạy học chủ động. Giáo viên cần linh hoạt, nhạy cảm với những vận động, chuyển mình xã hội để không cảm thấy lúng túng, loay hoay. Từ tư duy thích ứng, giáo viên hoàn toàn có thể định hướng bản thân tới những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, tiếp cận văn bản theo hướng phát triển năng lực cho học trò.

Chẳng hạn, khi tìm hiểu về các tác phẩm truyện, thầy cô cần tránh những câu hỏi mang tính chất “khép kín” tư duy như: Nhân vật này có đáng thương/hạnh phúc không? Thay vào đó, hãy hỏi: Cảm nhận của con về nhân vật này như thế nào?

Trên đây là một ví dụ đơn giản với kĩ thuật đặt câu hỏi (phát vấn) – kĩ thuật phổ biến xưa nay trong dạy học. Tuy nhiên, sự thay đổi nhỏ trong tư duy hỏi sẽ đem lại những thành quả lớn trong việc hình thành kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề cho học sinh.

Tương tự như vậy, thầy cô có thể ưu tiên đẩy mạnh cho học trò các kĩ thuật khác như dự đoán, trực quan hóa, suy luận, phân tích – đánh giá,…. cùng với các phương pháp dạy học theo dự án, dạy học cá nhân hóa,… phù hợp.

Bên cạnh đó, tư duy dạy học chủ động cũng có nghĩa là giáo viên chủ trương dạy cho học sinh cách tư duy sao cho khoa học, chủ động. Chẳng hạn, mỗi học sinh cần được định hướng có kĩ năng khái quát đặc điểm chung của một chủ đề, một thể loại để soi chiếu, áp dụng linh hoạt khi thực hành với một văn bản khác.

Để gia tăng tính kết nối với bài học, giáo viên nên gắn bài học vào thực tế và trải nghiệm cá nhân người học để khơi dậy lòng đồng cảm tự nhiên.

Tiếp đến, để nâng cao khả năng luyện tập, thực hành của học sinh, điều quan trọng không kém là giáo viên cần tự mở rộng phạm vi đọc của chính mình. Điều này cũng đồng nghĩa: các thầy cô phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, cập nhật thường xuyên những văn bản, ngữ liệu hay và phù hợp với chương trình học.

Dĩ nhiên, kết quả ấy không chỉ nằm ở quá trình đọc tích lũy đơn thuần mà còn cần rất nhiều công sức phân tích, nghiền ngẫm và cẩn trọng để kiểm định chất lượng tác phẩm. Đó là cách “tự tái tạo”, “tự làm mới” chính mình.

Cô Nguyễn Khánh Hòa.

Cô Nguyễn Khánh Hòa.

Thay đổi tư duy, giảm thiểu áp lực cho học sinh trong học tập

Đối với học sinh, cô Nguyễn Khánh Hòa lưu ý, hiện tượng học “tủ”, học “vẹt” khuôn sáo các đoạn văn, bài văn với dung lượng lớn sẽ không còn tồn tại nữa. Song song với đó là sự “xóa sổ” những suy nghĩ, hành động “đoán đề”, những tháng ngày vất vả, cực nhọc vì ôn bài dài 3,4,5,…trang hay những lần trông chờ vào vận may để thi cử. Từ đó, áp lực học tập được giảm thiểu đáng kể.

Tuy nhiên, để thích nghi với cách học và kiểm tra mới, học sinh cần có tính kỷ luật và tự giác cao, bởi tinh thần mới chú trọng tự học là chính.

Các em cần ôn tập kiến thức văn bản, tiếng Việt, tập làm văn ở phạm vi bao quát, phổ rộng hơn. Để điều đó dễ dàng hơn, học trò phải đặc biệt chú ý logic kiến thức được xây từ những lớp dưới và rèn luyện liên tục, tránh mất gốc. Thay vì học thuộc những câu văn mẫu cố định, học trò hãy tự xây dựng dàn ý cách làm cho riêng mình với từng dạng bài cụ thể.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội lý tưởng để học trò tự nâng cao vốn đọc, mở rộng vốn hiểu biết của mình. Sẽ thật hữu dụng với dạng bài nghị luận xã hội nếu học trò có thể tích lũy, cập nhật hàng ngày những dẫn chứng từ thực tế cuộc sống (thông qua sách, báo, internet). Và sẽ thật tiết kiệm thời gian đọc hiểu nếu học trò đã biết và nghiên cứu ngữ liệu mà mình được thực hành, củng cố.

"Nhiều cơ hội là vậy, nhưng điều này vô tình cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho thầy và trò. Các thầy cô giáo cần nhiều thời gian hơn để thẩm thấu, chiêm nghiệm về những tác phẩm mới. Đó là một bài toán phức tạp bởi các thầy cô phải cân đối giữa khối lượng công việc hiện có và thời gian cá nhân. Dẫu vậy, các thầy cô và các em học sinh sắp đối diện với những kỳ thi trong chương trình mới hãy cứ vững tâm, bởi mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng", cô Nguyễn Khánh Hòa chia sẻ.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-cach-day-cach-hoc-ngu-van-dap-ung-yeu-cau-moi-post688762.html