Thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước đang được dành sự quan tâm đặc biệt khi được triển khai nhiều dự án cao tốc mới, góp phần từng bước hoàn thiện đồng bộ theo hướng hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước…
Dự án về đích nhanh nhất cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài hơn 83km, dài thứ 2 trong 12 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 (chỉ sau dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn). Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua địa bàn 4 huyện của tỉnh Khánh Hòa là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh.
Đây là dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, được khởi công đồng thời với 11 cao tốc thành phần vào ngày 1/1/2023.
Khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự án sẽ kết nối với các cao tốc khác trên hành trình, từ đó rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển. Dự án còn giúp kết nối các trung tâm kinh tế - chính trị. Đặc biệt là thông suốt tuyến đường đến với khu kinh tế Vân Phong, các cảng Bắc Vân Phong, Nam Vân Phong; các khu công nghiệp trọng điểm như Ninh Thủy, Suối Dầu, Dốc Đá Trắng…
Giai đoạn đầu, tuyến đường có mặt cắt ngang đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/mỗi điểm, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 – 90 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường lên hơn 32 m, 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tính đến nay, hơn 99% mặt bằng thi công đã được bàn giao cho nhà thầu, chỉ còn hạ tầng đường điện chưa di dời xong. Nhiều vị trí trụ điện 110KV - 220KV chưa được di dời, các phương tiện thi công làm việc ngay bên dưới đường dây cao thế.
Phần lớn cao tốc Vân Phong - Nha Trang đều vượt núi băng rừng. Toàn tuyến có 34 cầu, trong đó cầu Khánh Bình (Km 346+756) bắc qua vùng núi xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) là cầu dài nhất, lớn nhất dự án. Cầu dài gần 700 m, tổng giá trị xây dựng hơn 206 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe, rộng 17,5 m.
Do điều kiện tiếp cận thi công khó khăn nên việc thi công cầu chỉ được thực hiện từ hướng duy nhất. Hướng còn lại do địa hình núi cao nên không vận chuyển vật liệu qua được. Dù khó khăn nhưng trên công trường, xe cộ, phương tiện phục vụ thi công vẫn ra vào nườm nượp. Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã tổ chức thi công, đúc dầm tại chỗ, từ đó rút ngắn thời gian di chuyển.
Điểm đầu tại vị trí nút giao đầu hầm Cổ Mã, địa phận xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh). Phía bắc dự án là dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong cũng đang thi công.
Điểm cuối cao tốc Vân Phong - Nha Trang giao với Quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), kết nối với công trình cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Toàn dự án chia làm hai gói thầu gồm XL01 và XL02. Gói XL1 do liên danh 4 nhà thầu Lizen - Phương Thành - Hải Đăng - VNCN E&C thi công. Gói XL2 do liên danh nhà thầu Sơn Hải - Vinaconex thi công.
Dọc tuyến đường đi qua, có 2.774 hộ đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đạt 100%. Đến thời điểm hiện tại, hoàn thành thi công 6/6 khu tái định cư và đã tổ chức phân lô, bốc thăm cho các hộ dân.
Hơn 19.600 tỷ đồng đầu tư PPP cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài
Cũng theo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cũng mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Theo phương án được phê duyệt, dự án được đầu tư với tổng chiều dài 51km. Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh thuộc huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Điểm cuối giao với QL22 (khoảng Km 53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng hơn 409ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 19.617 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỷ đồng, gồm: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư (theo quy định của Luật PPP)
Phần vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.674 tỷ đồng gồm: nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 2.872 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 6.802 tỷ đồng.
Chi phí chuẩn bị dự án theo quy định tại Luật PPP khoảng 45 tỷ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn chịu trách nhiệm hoàn trả các chi phí chuẩn bị đã được sử dụng về ngân sách nhà nước theo quy định.
Khi hoàn thành dự án sẽ góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với Tây Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đầu tàu kinh tế phía Nam.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ hoàn thành sớm hơn 6 tháng
Sau hơn một năm thi công, hiện tại cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã hình thành rõ nét. Một số đoạn đã trải thảm nhựa, làm dải phân cách, lan can an toàn. Trên công trường, các nhà thầu đang thi công vượt tiến độ, dự kiến cơ bản hoàn thành vào 30/4/2025, sớm hơn 6 tháng.