Thay đổi tập quán sản xuất và phương thức canh tác của nông dân
Ngày 22/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thảo tư vấn, báo cáo kết quả thực hiện Đề tài tư vấn phản biện “Đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả tỉnh Sơn La giai đoạn 2017 đến nay; đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo”. Dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức hội của tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng, chế biến sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn Thành phố.
Đề tài do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, Thạc sỹ Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh làm chủ nhiệm.
Tỉnh ta đã ban hành 4 nhóm chủ trương, chính sách, gồm: Chủ trương của Đảng bộ tỉnh về phát triển cây ăn quả; phát triển cây ăn quả thay thế cây trồng kém hiệu quả; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến và liên kết chuỗi trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả; ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả.
Các chính sách đã tác động tích cực đến việc phát triển cây ăn quả của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến hết năm 2022, tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 453.554 tấn quả/năm. Sơn La là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Có 339 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả. Cục Bảo vệ thực vật cấp 281 mã số vùng trồng; 11 sản phẩm trái cây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. 20 sản phẩm OCOP, chế biến từ trái cây, 12 sản phẩm quả được bảo hộ. 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Duy trì, phát triển 166 chuỗi quả an toàn với diện tích 3.657 ha, sản lượng 44.720 tấn/năm. Xây dựng 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả đã làm thay đổi tập quán sản xuất và phương thức canh tác của nông dân; nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến chưa gắn chặt chẽ với tiêu thụ của vùng nguyên liệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm cây cây nghiệp thiếu tính bền vững. Kinh phí hỗ trợ cho các dự án xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả khó khăn; hoạt động xúc tiến thương mại thiếu tính chuyên nghiệp…
Trên cơ sở nghiên cứu Đề tài, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất một số giải pháp trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo, như: Cơ chế, chính sách, quy hoạch, nguồn vốn; ứng dụng khoa học công nghệ phát triển cây ăn quả chất lượng cao; xây dựng và nâng cao hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm cây ăn quả. Phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng…
Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu, làm cơ sở hoàn thiện báo cáo đánh giá về tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả tỉnh Sơn La giai đoạn 2017 đến nay. Trên cơ sở đó, tư vấn cho cơ quan nhà nước về cơ chế, chính sách và giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.