Thấy gì khi Nhật Bản cạn kiệt matcha
Matcha cao cấp của Nhật Bản bị cạn nguồn cung do nhu cầu bùng nổ bất ngờ, và những nhà cung cấp không thể lập tức tăng sản lượng do đặc thù sản xuất kéo dài cả năm.
Trong một tháng qua, các nhà sản xuất hàng đầu của Nhật Bản như Marukyu Koyamaen, Ippodo Tea và Ocha no Kanbayashi bắt đầu áp dụng các hạn chế về số lượng sản phẩm mà khách hàng có thể mua. Dự kiến tình trạng khan hàng kéo dài đến đầu năm 2025.
Marukyu Koyamaen cho biết trên trang web của mình vào ngày 25/10 rằng: "Do nhu cầu về các sản phẩm matcha tăng mạnh và liên tục trong những tháng qua, nhu cầu hiện tại đã vượt quá khả năng sản xuất của chúng tôi. Điều này dẫn đến tình trạng tồn kho cực kỳ thấp của tất cả sản phẩm vào thời điểm này".
Chủ tịch Motoya Koyama chia sẻ với The Kyoto Shimbun rằng nhu cầu matcha bùng nổ chưa từng có ở nước ngoài, được thúc đẩy bởi các trào lưu mạng xã hội, đã buộc công ty phải áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt.
Tại sao matcha cạn kiệt?
Matcha du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ thế kỷ 12 và trở thành trung tâm trong nghi lễ trà đạo truyền thống. Đến thế kỷ 21, nó trở nên phổ biến trên toàn thế giới như một "siêu thực phẩm" vì lợi ích sức khỏe, bao gồm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp tinh thần minh mẫn.
Matcha nhanh chóng trở thành món chủ đạo của các quán cà phê trên khắp châu Á và các nước phương Tây, được nhiều người nổi tiếng "lăng xê" như nữ diễn viên Gwyneth Paltrow, ngôi sao quần vợt Serena Williams và người mẫu Bella Hadid.
Dù sản lượng matcha ở Nhật Bản hiện vẫn ổn định, nhiều công ty hàng đầu đã cạn kiệt nguồn hàng do nhu cầu bùng nổ trên toàn thế giới, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram.
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà sản xuất khó đáp ứng được nhu cầu tăng vọt là bởi matcha Nhật Bản cao cấp được sản xuất với quy trình tỉ mỉ, đòi hỏi thời gian kéo dài cả năm và không thể rút ngắn.
Theo Tokyo Weekender, những lá trà ngon nhất chỉ được thu hoạch một lần một năm, trong một khoảng thời gian rất hạn chế chưa đầy hai tháng.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi matcha ở Nhật Bản trong năm nay đã cạn kiệt và không thể bù đắp.
Những lá trà hạng nhất (first flush) được thu hoạch vào tháng 4 và tháng 5, sau lập xuân 88 ngày.
Những lá matcha hạng hai (second flush) và hạng 3 (third flush) chất lượng thấp hơn được thu hoạch lần lượt từ tháng 6 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 10, nhưng chúng không được các thương hiệu hoặc khách hàng ưa chuộng. Những loại này không được dùng trong trà đạo danh giá mà thường dùng để uống thông thường hoặc làm bánh.
Hợp tác xã trà Kyoto Prefecture, một nhóm các nhà phân phối trà ở Kyoto (Nhật Bản), nói với giới truyền thông địa phương rằng ngay cả khi có thêm nhiều đồn điền trà được thành lập, cũng phải mất 3-5 năm để thu hoạch được lá trà mới.
Nhóm này cũng khuyên không nên tích trữ matcha vì nó có thời hạn sử dụng ngắn.
Ảnh hưởng toàn cầu
Sự thiếu hụt matcha từ Nhật Bản đã ảnh hưởng đến những người đam mê món đồ uống này trên khắp thế giới. Giá bột matcha tăng khiến nhiều người phải bỏ số tiền lớn hơn, thậm chí không thể mua được.
Ở Australia, nơi cơn sốt matcha đang lan rộng, tình trạng thiếu hụt đã ảnh hưởng đến các cửa hàng và quán cà phê như Simply Native ở New South Wales khi phải công bố giới hạn mua hàng online.
Các quán trà, quán cà phê và siêu thị ở Singapore chia sẻ với The Straits Times rằng họ đã cảm nhận được tác động của tình trạng thiếu hụt khi một số cửa hàng đã tăng giá sản phẩm 10-15% kể từ giữa tháng 10.
Siêu thị Nhật Bản Iroha Mart đã tăng giá bột matcha cao cấp lên 10% vì thiếu hụt nguồn cung từ tháng 6 đến tháng 10. Một hộp bột matcha Rikyuen 30 gram trước đây có giá 27 USD, giờ có giá khoảng 30 USD.
Ông Hayato Yaegashi, giám đốc Iroha International, nói với The Straits Times rằng: "Một mặt, tôi cảm thấy tệ cho khách hàng của chúng tôi khi phải chờ đợi và trả giá cao hơn cho matcha. Nhưng mặt khác, tôi thấy vui khi thấy ẩm thực Nhật Bản lan tỏa khắp thế giới".
Cửa hàng trà trực tuyến Tealife Singapore báo cáo nhu cầu về matcha tăng, với doanh số năm 2024 tăng gấp đôi so với 2023. Cửa hàng đang cân nhắc áp dụng các hạn chế bán hàng, vì lượng matcha mà họ nhận được vào tháng 11 từ các nhà cung cấp chỉ bằng 40% so với lượng thông thường.
Các quán cà phê và trà đạo như Matchaya hay Nana's Green Tea cũng gặp phải tình trạng chậm giao hàng từ hai tuần đến vài tháng.
Người phát ngôn của Matchaya, có 4 cửa hàng tại Singapore, cho biết: "Tình trạng thiếu hụt đã tác động đến chúng tôi khiến một số sản phẩm thỉnh thoảng hết hàng. Để quản lý tình trạng này, chúng tôi phải đặt hàng theo từng đợt nhỏ hơn, thường xuyên hơn, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn".
Trong khi đó, một số người đam mê matcha đang chuyển sang các thị trường online, bất chấp người bán tính giá cao gấp 3 lần thông thường.
Ang Wei Man, người có tài khoản TikTok chuyên đánh giá đồ uống matcha, đã trả khoảng 30 USD cho một hộp bột matcha Marukyu Koyamaen Isuzu 40 gram trên Shopee. Sản phẩm tương tự đã hết hàng trên trang web chính thức, nơi có giá khoảng 1.250 yen (8 USD).
Người phụ nữ 33 tuổi này cho biết: "Tôi không hài lòng với tình trạng thiếu hụt này. Trước đây, tôi thường mua một ly matcha latte đá với giá dưới 7,5 USD, nhưng giờ đây hầu hết đều vượt quá mức đó".
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-khi-nhat-ban-can-kiet-matcha-post1515377.html