Thấy gì từ dừa Việt xuất khẩu mạnh vào Thái Lan?

Xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam sang Thái Lan đang tăng cực mạnh, nhưng đằng sau đó vẫn là bài học về xuất khẩu nông sản thô với giá trị ít ỏi thu được so với việc nâng cao giá trị chế biến dừa như cách mà Thái Lan đang làm.

Theo số liệu của Cục Hải quan Thái Lan, nửa đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu dừa của Việt Nam đạt 6,3 nghìn tấn, trị giá 383 triệu Baht (tương đương 12,29 triệu USD), tăng 208,9% về lượng và tăng 292,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Hơn thua ở khâu chế biến

Thậm chí, tỷ trọng nhập khẩu dừa từ Việt Nam chiếm tới 36% tổng lượng dừa của Thái Lan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Thái Lan đang là trung tâm chế biến dừa ở Đông Nam Á, dù vùng nguyên liệu dừa ở nước này khó so bì với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Việt Nam.

Chuỗi phân phối giá trị trong ngành dừa Việt còn nhỏ lẻ và manh mún.

Chuỗi phân phối giá trị trong ngành dừa Việt còn nhỏ lẻ và manh mún.

Bên cạnh việc gia tăng nhập khẩu, nếu quan sát ở thị trường trong nước, sẽ thấy nhiều sản phẩm dừa chế biến từ Thái Lan đang dần xuất hiện rộng rãi và có thể xem là “vượt mặt” so với nhiều sản phẩm dừa chế biến của các doanh nghiệp (DN) Việt.

Ngay như khâu rao bán hàng trên thương mại điện tử (TMĐT) ở trong nước cũng cho thấy sự lấn lướt. Chẳng hạn, chỉ cần gõ từ khóa “sản phẩm dừa Thái Lan nhập khẩu” trên Google.com.vn sẽ cho ra đến hơn 6 triệu kết quả.

Hiển thị ưu tiên trên các trang đầu của công cụ tìm kiếm này là một loạt sản phẩm chế biến phong phú của trái dừa được nhập khẩu từ Thái Lan và thậm chí xuất hiện trên các trang TMĐT hàng đầu ở Việt Nam như Sendo, Shopee. Đơn cử như các sản phẩm mới: Nước sữa dừa vị chocolate, dừa sấy giòn, mứt dừa dẻo, hạt điều sấy dừa…

Theo giới chuyên gia, việc gia tăng xuất khẩu (XK) dừa tươi của Việt Nam vào Thái Lan trong lúc này cũng chính là điều mà các DN nông sản trong nước cần phải suy ngẫm, để thay vì chạy theo thành tích XK dừa tươi thì nên tiếp tục thúc đẩy khâu chế biến nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm từ quả dừa có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế.

Thực ra, khoảng 2 năm trở lại đây có không ít DN trong nước cũng đã biết cách làm mới sản phẩm chế biến từ trái dừa để thích ứng xu hướng tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chẳng hạn như sản phẩm nước sữa dừa hữu cơ (organic) có tên gọi Cocoxim của CTCP xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Hoạt động XK dừa chế biến của DN này chủ yếu nhắm đến thị trường Mỹ và EU. Công ty cũng có kế hoạch đầu tư 50 triệu USD để tăng gấp 3 sản lượng nước dừa và sữa dừa lên 108 triệu lít vào năm 2022, chủ yếu để XK.

Hay như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới với các sản phẩm nước dừa hộp giấy, dầu dừa nguyên chất ly tâm, nước cốt dừa, dừa sấy giòn… đang dần định hình thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế.

Tránh rơi vào thế yếu

Tuy vậy, cần phải nhìn nhận là số DN Việt có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế ở mảng chế biến sản phẩm từ dừa còn khá khiêm tốn nếu so với đẳng cấp chế biến dừa từ các DN của Thái Lan.

Với “thủ phủ dừa” Bến Tre có diện tích trên 70.000ha, chiếm 40% diện tích dừa của cả nước, nếu nhìn vào việc gia tăng XK dừa tươi vào Thái Lan để phục vụ cho việc chế biến ở nước này, cần thấy rằng việc gia tăng giá trị thông qua chế biến sản phẩm từ dừa ở trong nước để phục vụ cho XK cần được coi trọng hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh, kim ngạch XK các sản phẩm từ dừa của tỉnh Bến Tre hồi năm ngoái đã hơn 200 triệu USD/năm.

Mới đây, Công ty Nafoods Group đã đề xuất đầu tư vào tỉnh Bến Tre một tổ hợp sản xuất chuỗi giá trị về dừa với tổng diện tích khoảng 30ha, bao gồm nhà máy sản xuất, chế biến dừa, vùng nguyên liệu dừa nguyên chất hữu cơ và khu nhà ở cho công nhân, kết hợp phát triển du lịch.

Công suất giai đoạn 1 khoảng 300-400 tấn quả/ngày, sản xuất từ 9-10 nghìn tấn bột dừa và nhiều sản phẩm khác từ dừa. Vị trí dự án nhà đầu tư đề xuất đặt tại huyện Giồng Trôm. Việc đầu tư này rất cần được khuyến khích nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, vừa giúp gia tăng giá trị cho trái dừa Việt.

Theo ông Trần Văn Đức, nguyên Giám đốc Betrimex, với ngành chế biến sản phẩm từ dừa, thách thức là sự cạnh tranh quyết liệt với các DN cùng ngành hàng từ các quốc gia trồng dừa hàng đầu thế giới như Indonesia, Philippines, Sri Lanka hoặc những quốc gia có thế mạnh về ngành chế biến trái cây và nông sản như Thái Lan.

Ông Đức lưu ý, điều này đòi hỏi ngành dừa Việt phải có những bước phát triển đột phá, lấy sự đổi mới công nghệ làm mũi nhọn, lấy quy mô sản xuất lớn làm nền tảng để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và qua đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của ngành dừa trong nước là tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Có đến hơn 75% số hộ nông dân có diện tích canh tác từ 0,1 - 0,5ha. Thu nhập từ cây dừa qua đó cũng không giúp cải thiện đời sống các nông hộ.

Chưa kể, chuỗi phân phối giá trị trong ngành dừa Việt cũng nhỏ lẻ và manh mún, sự liên kết trong chuỗi còn lỏng lẻo. Tình trạng thiếu liên kết và cạnh tranh không lành mạnh khiến cho các DN chế biến dừa trong nước thường bị rơi vào thế yếu so với khối ngoại.

Theo Thế Vinh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thay-gi-tu-dua-viet-xuat-khau-manh-vao-thai-lan/20200820050613288