Thầy giáo 9X biến rác thành tài nguyên học tập

Những năm gần đây, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã quen với các môn học có minh họa từ... rác tái chế của thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết.

Đối với thầy, rác không phải là phế thải mà là tài nguyên để chuyển hóa thành các dụng cụ giảng dạy, học tập sinh động, trực quan và giúp bảo vệ môi trường.

Thầy giáo “đồng nát”

Được dự một tiết học lịch sử của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mục sở thị các mô hình do thầy Quyết và các em học sinh sáng chế, chúng tôi không nghĩ chúng được làm từ rác tái chế. Bởi các mô hình được chắp nối rất khéo, sơn màu và được vệ sinh sạch sẽ trước khi đưa vào sử dụng, lồng ghép với phần thuyết minh tạo nên những giờ học hiệu quả, chất lượng.

Thầy Nguyễn Hữu Quyết vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng 2022. Ảnh: Văn Công

Thầy Nguyễn Hữu Quyết vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng 2022. Ảnh: Văn Công

Đó là các mô hình về chủ quyền biển đảo Việt Nam, sa bàn trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954 hay đại thắng mùa Xuân năm 1975… đã biến các kiến thức lịch sử có phần khô khan trở nên mượt mà, sinh động giúp học sinh hào hứng học lịch sử và có thể nhớ lâu, trình bày kiến thức một cách lưu loát.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết sinh năm 1998, quê tại Hải Dương, ngay từ nhỏ đã có “đam mê” với rác. Anh chia sẻ, hồi nhỏ tôi thường được ông nội tự tay làm cho các món đồ chơi như con rùa, chim bồ câu, xe tăng… bằng các loại giấy phế liệu, xốp, các mảnh gỗ, chúng đẹp không kém các loại đồ chơi làm sẵn mà còn tiết kiệm tiền. Sau này, sinh hoạt trong cuộc sống đô thị, tôi thấy rất nhiều thứ chưa phải là rác hoặc có thể tái chế nhưng đã bị con người bỏ đi. Tôi đã nghĩ đến việc tận dụng chúng phục vụ cho công việc giảng dạy khi còn đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Để có được rác, ngoài “tài nguyên” của gia đình, chàng trai trẻ chẳng ngại ngần mang bao tải đi xin rác khắp nơi về tích lũy, đến nỗi bạn bè trêu là Quyết “đồng nát”, Quyết “rác”… Cũng có người chưa hiểu tưởng Quyết đi nhặt rác để có thêm tiền chi tiêu. Anh còn thường xuyên lên mạng xã hội kêu gọi mọi người thay đổi cách nhìn về tái chế rác, những lợi ích bảo vệ môi trường sống của chúng ta và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều bạn trẻ.

Đặc biệt, trong thời gian thực tập giảng dạy ở Thái Bình, anh lần đầu “trình làng” các mô hình hỗ trợ học tập được tái chế từ rác. Hầu hết các học sinh quan sát mô hình của thầy giáo trẻ đều không nhận ra chúng được tái chế từ những thứ đã bị bỏ đi, thậm chí được bới từ trong thùng rác ra. Để làm ra mỗi mô hình, anh phải mất cả tháng trời từ khi tập hợp rác, xử lý vệ sinh, phơi khô, ý tưởng mô hình, cắt ghép, sơn khô… Có những mô hình được làm từ những loại rác không ai ngờ tới như tái hiện lịch sử phát triển loài người bằng bã kẹo cao su và xốp, mô hình trực quan phản ứng hóa học bằng bìa, chai nhựa…

Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết cho biết, càng ngày con người càng có xu hướng thải nhiều rác thải hơn mỗi ngày nên việc tái chế góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh, tiết kiệm chi phí. Như tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hiện có hơn 1.000 học sinh, trung bình mỗi ngày sẽ thải ra môi trường 200 túi nilon, 600 chai nhựa, 300 loại giấy phế liệu… nếu thu gom, tận dụng tốt sẽ tạo ra hàng chục mô hình dạy học hữu ích cũng như tăng tính trải nghiệm cho học sinh.

Lan tỏa tình yêu rác đến học sinh

Năm 2019, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Giáo dục công dân, anh được nhận về công tác tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Tại môi trường mới, thầy giáo trẻ tiếp tục áp dụng các mô hình hỗ trợ dạy học tái chế từ rác vào bài giảng và được Ban giám hiệu Nhà trường ủng hộ, động viên.

Thầy Nguyễn Hữu Quyết thuyết trình về các sáng kiến giáo dục bền vững từ rác thải tái chế.

Thầy Nguyễn Hữu Quyết thuyết trình về các sáng kiến giáo dục bền vững từ rác thải tái chế.

Sau mỗi giờ học của thầy giáo, học sinh lại được tham gia hoạt động “30 phút sạch trường, đẹp lớp”. Cả thầy và trò sẽ thu gom rác thải, trang trí lại không gian để chuẩn bị một lớp học sạch bóng cho buổi chiều. Ngoài ra, với vai trò Bí thư Đoàn trường, thầy thường xuyên phát động các chương trình trải nghiệm như “ngày thứ Bảy tái chế”, “ngày Chủ nhật xanh trồng cây, hoa trong trường”... tạo nên một môi trường học tập xanh, sạch, đẹp.

Tuy chỉ giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân nhưng thầy Quyết tham gia làm mô hình giảng dạy cho hầu hết các môn học trong trường hễ có đồng nghiệp “đặt hàng”, từ ngữ văn, lịch sử, địa lý đến vật lý, sinh học… thầy Nguyễn Hữu Quyết đều sáng tạo ra các mô hình phù hợp, trực quan từ rác. Phong trào “yêu rác” lan tỏa đến mọi học sinh trong trường như một kim chỉ nam, tại cuối mỗi lớp học đều có thùng rác và được ghi dòng chữ “Tài sản của học sinh”, khiến chẳng một ai phung phí thứ tài sản quý giá này.

Ngoài ra, thầy giáo còn xây dựng quy trình tái chế rác thải từ khâu phân loại, xử lý để học sinh tự tái chế tại nhà. Đối với các mô hình, thầy sắp xếp khoa học trông dễ thấy, dễ lấy. Sau khi sử dụng xong, mô hình được vệ sinh sạch sẽ, để đúng nơi quy định và luôn khuyến khích học sinh sáng tạo thêm các mô hình mới.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện dự án “Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh phổ thông” tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đến nay thầy giáo cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành được hơn 50 mô hình dạy học cho nhiều môn. Bảo tàng mini không chỉ là không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa về con người, thiên nhiên, lịch sử mà còn là kênh giáo dục thay đổi nhận thức về rác thải cho giới trẻ nói chung và học sinh THPT nói riêng.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Phan Như Hùng, mô hình Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh phổ thông tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã giúp ích, hỗ trợ rất nhiều cho công tác giảng dạy trong Nhà trường.

Các mô hình giúp học sinh tiếp cận tri thức trực quan, sinh động, chấm dứt những bài thuyết minh một chiều và giúp Nhà trường tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị dạy học. Đặc biệt, việc tạo ra các mô hình từ rác thải tái chế góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, hành vi, thái độ cho học sinh trước thực tiễn biến đổi khí hậu toàn cầu.

Một số giải thưởng mà thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết được tặng: Giải thưởng Thanh niên Sống đẹp 2021 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; giải thưởng Lý Tự Trọng 2022 của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giải Nhì tại cuộc thi "Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" năm 2021 do T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức năm 2021.

Bài dự thi Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023” xin gửi về địa chỉ: Ban Đô thị - Báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.
Email: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com.
Mọi thông tin về Cuộc thi xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Ban Đô thị, điện thoại: 098.747.9898.

Nguyễn Văn Công - Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thay-giao-9x-bien-rac-thanh-tai-nguyen-hoc-tap.html