Thầy giáo góp nhà, cộng đồng góp sách xây ngôi nhà trí tuệ cho dân nghèo
Cụ ông Đoàn Tử Liễn (97 tuổi) ở thôn Trại Trúc, xã Đức Lạc (huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh) đã dành tặng căn nhà kiên cố để cùng người con trai xây nên một không gian học tập suốt đời, hoàn toàn miễn phí cho người dân nông thôn.
Cụ Đoàn Tử Liễn là một nhà giáo về hưu, nay tuổi đã cao, trí nhớ không còn được minh mẫn. Song mỗi lần nhìn về ngôi nhà trí tuệ mà các con gây dựng nên, đôi mắt cụ vẫn sáng lên vẻ phấn khởi, mãn nguyện.
Bà Đoàn Thị Minh Lý (57 tuổi, con gái ông Liễn) hiện là người trực tiếp thăm nom ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh kể lại: Cách đây 7 năm, khi cha tròn 90 tuổi, anh em chúng tôi đã góp công, góp của để xây cho cha một căn nhà kiên cố. Sống một mình trong căn nhà mới, cha thường được con cái đem sách về để đọc, dần dần, ngôi nhà này có rất nhiều sách. Bạn bè, láng giềng cũng thường lui tới để đọc sách, đánh cờ.
Cha tôi có nguyện vọng là biến nhà này trở thành một không gian đọc sách cho bà con lối xóm, nhưng khi đó nhà còn chật hẹp, sách tuy nhiều nhưng chưa được đa dạng.
Đến năm 2018, do sức khỏe yếu nên cụ Liễn về ở hẳn với gia đình bà Lý. Từ những nguyện vọng trước đó của cha, con trai út là ông Đoàn Tử Hoan (chủ nhà sách Đông – Tây, Hà Nội) đã xin phép cha sửa chữa căn nhà để xây dựng thư viện, nơi đọc sách chung cho bà con trong vùng, đặc biệt là các em học sinh.
Đến tháng 4/2018 thì ngôi nhà được hoàn thiện theo phong cách kiến trúc thư viện, công năng được chuyển đổi, không gian riêng tư thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Đây cũng là ngôi nhà nằm trong chuỗi dự án ngôi nhà trí tuệ được anh Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An) và anh Đoàn Tử Hoan triển khai ở một số địa phương khác. Do đó, tên đầy đủ của thư viện là “Ngôi nhà trí tuệ số 3” (ngôi nhà trí tuệ số 1 và số 2 được xây dựng trước đó tại Nghệ An - PV)”.
Chúng tôi đến ngôi nhà trí tuệ vào một ngày cuối tuần, có đến hơn 30 em nhỏ đang đến đây tìm đọc sách. Quanh căn nhà có nhiều cây xanh, phía trước có mái che, được bố trí bàn ghế, bảng đen để người dân vừa có thể đọc sách; giáo viên, học sinh có thể dạy và học. Trong ngôi nhà là hệ thống giá sách, bàn đọc và có cả máy vi tính. Ngôi nhà được lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng, quạt mát…
Em Phạm Thị Hiền Anh (10 tuổi) tâm sự: "Cứ đến cuối tuần, em lại nhờ người thân hoặc tự đạp xe đến ngôi nhà trí tuệ để đọc sách. Ở đây vừa có nhiều sách thiếu nhi, vừa có bàn ghế rất đẹp, giống như thư viện.
Hơn nữa, ở đây cũng có nhiều bạn bè cùng đến đọc, mặc dù đông nhưng không hề ồn ào, chúng em cũng được mượn sách về nhà. Cũng có cô giáo đến đây dạy tiếng Anh, thỉnh thoảng còn có cả người nước ngoài nữa. Dù trong thời gian ngắn, em chưa học được nhiều kiến thức nhưng em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều".
Cô giáo Nguyễn Thị Như Ý (giáo viên trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ) chia sẻ, đợt nghỉ hè, tôi thường đến đây vào ngày chủ nhật hàng tuần để dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Không như ở trường, lớp tiếng Anh không đặt nặng vấn đề kiến thức mà tôi chủ yếu truyền đạt cách giao tiếp ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng qua các trò chơi.
Do vậy, lớp thường thu hút từ 40 – 50 em học sinh/buổi. Đến nay, do công việc nên lớp tiếng Anh chỉ duy trì được 1 buổi/2 tuần. Ngoài ra, các giáo viên cũng xen kẽ đến đây để dạy thêm một số môn học về kỹ năng sống, công nghệ… Được biết, một số giáo viên khác cũng có dự định đến mở các lớp học về năng khiếu cho các em.
Chủ tịch UBND xã Đức Lạc Lê Xuân Hội cho biết: “Khi anh Hoan đặt vấn đề xây dựng ngôi nhà trí tuệ với chính quyền, chúng tôi hết sức đồng tình. Bởi trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, việc ra đời “ngôi nhà trí tuệ” với các lớp học miễn phí là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, vừa giúp con em học tập tốt, vừa tạo nên một nét văn hóa mới của xóm làng. Do đó, chúng tôi phân công các lực lượng đoàn thể đóng góp công sức để cùng gia đình hoàn thiện ngôi nhà.
Đồng thời, địa phương cũng thực kêu gọi các tổ chức đóng góp sách, báo, cùng xây dựng kho tài liệu ngày càng phong phú hơn. Kết quả, đến nay ngôi nhà đã có hàng nghìn đầu sách phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, lượt người đọc đến đây vẫn đa phần là các em học sinh. Chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền để cả những người nông dân cũng đến đọc sách, vừa tìm tòi cách làm nông nghiệp, phát triển kinh tế, vừa nâng cao kiến thức, văn hóa”.
Đối với cộng đồng, văn hóa đọc có khả năng tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, nâng cao văn hóa và sự hiểu biết của người dân. Hi vọng với ngôi nhà trí tuệ, việc đọc sách sẽ trở thành niềm vui, nếp quen của nhiều nông dân sống sau lũy tre làng, góp phần thúc đẩy phong trào học tập cộng đồng tại địa phương.
Dương Chiến – Anh Tấn