Thầy giáo người Việt trên bản vùng cao Lào

Tết Quý Mão 2023 là cái Tết thứ tư thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc ở lại Lào. Ngày Tết ai chẳng muốn về đoàn tụ gia đình, nhưng thầy giáo Ngọc bảo: 'Ở đây, các học trò, bà con dân bản cũng như người thân. Chắc Tết này tôi sẽ lại tự gói bánh chưng, cuốn nem cho có hương vị ngày Tết quê hương và chung vui với mấy em học trò nghèo'.

Thầy trân quý cái tình của họ với mình, nên muốn dành nhiều thời gian hơn ở Viêng Phu Kha, vì nhiệm kỳ hai năm (2021-2023) làm giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở Lào ngắn lắm, chẳng mấy mà kết thúc, còn bao dự định ấp ủ chưa kịp làm, nhất là công việc thiện nguyện hỗ trợ các học sinh và người dân nghèo ở huyện vùng núi Viêng Phu Kha, tỉnh Luông Nậm Thà.

Thầy bộc bạch, càng làm càng thấy say mê và có động lực, nhất là được sự ủng hộ nhiệt tình của các anh chị em, bạn bè cả người Việt Nam lẫn người Lào. Thầy giáo Ngọc không phải đứng ra kêu gọi, mà mọi người thấy thầy thương học trò nghèo, hay gom góp quần áo, sách vở và các đồ dùng cần thiết khác để tặng học sinh nên cũng chung tay góp sức tình nguyện làm cùng.

 Thầy giáo Ngọc và các em học sinh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thầy giáo Ngọc và các em học sinh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi lên công tác tại Trường THPT Viêng Phu Kha được hai tuần, thấy hoàn cảnh các em học sinh quá khó khăn, thầy Ngọc đã bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như mang cho các em đồ ăn hay ít sách vở. Một số em ở cách xa trường 30-40km mà phải đi bộ đường rừng đến trường nên đã dựng tạm mấy cái lán trên sườn đồi cạnh trường để ở lại và chỉ về nhà vào cuối tuần. Lán chỉ lợp lá, vách tre nứa nên mưa thì dột mà nắng thì nóng, lại không có điện, nước. Cha mẹ có gửi đồ ăn thì cũng vẫn thiếu.

Giờ mấy cái lán dột nát đó không còn nữa, vì thầy giáo Ngọc đã xin nhà trường cho các em chuyển xuống ở tại mấy phòng học trống gần ký túc xá chỗ thầy ở. Những lúc rảnh rỗi, thầy trò lại cùng nhau tăng gia, trồng thêm rau xanh ở các mảnh đất xung quanh để đỡ tốn tiền đi chợ; đôi lúc cùng bà con dân bản vào rừng hái củ măng...

Thầy Ngọc tiếp tục làm thiện nguyện sau đó vì có nhiều em hoàn cảnh khó khăn vẫn rất cần sự giúp đỡ. Đầu năm 2022, thầy cùng các bạn bè, anh chị em thân thiết thực hiện được hai đợt trao quà lớn và nhiều đợt nhỏ. Lần đó, thầy Ngọc đón một mạnh thường quân là Việt kiều từ thủ đô Viêng Chăn xuống trao quà tặng các em học sinh và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chị Vannaly Onsavath-Việt kiều Lào, còn có tên là Xuân, chủ doanh nghiệp ở Viêng Chăn kể, chuyến đi đầu năm khá vất vả vì tổng quãng đường cả đi và về đến hơn 500km.

Dù rất say xe nhưng thầy Ngọc vẫn nhiệt tình đi đón và dẫn đoàn tới tận nơi. Lần đó tuy mệt nhưng ai cũng phấn khởi, nhất là khi được chứng kiến niềm vui của các học sinh và bà con nghèo thì mọi mỏi mệt đều tan biến. “Chúng tôi quý cái tâm của thầy Ngọc với các em học sinh nghèo nên cũng mong sẽ hỗ trợ quyên góp thêm để giúp được nhiều em hơn”, chị Xuân chia sẻ.

Được biết, trong vòng một năm qua, thầy giáo Ngọc cùng nhóm thiện nguyện đã thực hiện 16 lần trao quà tặng học sinh và bà con nghèo trong huyện, tỉnh nơi thầy công tác. Tổng số tiền lên đến 100 triệu kip.

Thầy thương trò, trò cũng biết thương thầy. Dân bản quanh trường và các đồng nghiệp đều yêu quý thầy giáo người Việt. Thấy thầy thui thủi một mình trong ký túc xá trên quả đồi rộng vài héc-ta vì không có đồng nghiệp nào ở lại, điều kiện ăn ở cũng không thoải mái nên dân bản khi thì may cho túi khoai, túi gạo, có bữa lại mời thầy về ăn cơm cùng cho vui. Học trò có khi khệ nệ mang lên nải chuối, túi rau bố mẹ gửi biếu thầy. Đến bây giờ, thầy Ngọc vẫn xúc động khi nhớ về tình cảm ấm áp của bà mẹ dân tộc Khơ Mú đã lo lắng, mua thuốc, thịt gà, mang đồ ăn đến tận nơi lúc thầy đau ốm.

Ở trường, thầy giáo Ngọc dạy tiếng Việt và lồng ghép dạy văn hóa Việt cho các em học sinh khối lớp 11 và 12, ngoài ra còn dạy tiếng Việt cho một lớp cán bộ của huyện Viêng Phu Kha, dạy online cho một số học sinh ở xa. Thầy Ngọc hy vọng các học trò nghèo của mình sẽ có cơ hội được học lên cao và các tiết học tiếng Việt sẽ truyền cảm hứng phấn đấu học tập cho các em. Có một số bạn còn mong được sang Việt Nam học tiếp. “Học bổng của Chính phủ Việt Nam dành cho học sinh Lào cũng nhiều nên các em rất hào hứng học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt”, thầy Ngọc kể.

Ghi nhận tấm lòng và những cống hiến của thầy giáo người Việt trong một năm qua, lãnh đạo các cấp phía bạn Lào đã trao tặng thầy Ngọc 8 giấy khen vì những đóng góp cho công tác giáo dục và cộng đồng tại Lào. Lãnh đạo ngành giáo dục địa phương muốn giữ thầy Ngọc ở thêm sau khi hết nhiệm kỳ, khuyên thầy nên ở lại để tiếp tục thực hiện những công việc có ý nghĩa.

Trước khi nhận hai năm công tác ở Lào theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chàng trai quê Bắc Giang sinh năm 1991 đã có 7 năm sinh sống, làm việc và học tập tại Lào, lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Lào. Giờ quyết định ở lại hay về nước với thầy Ngọc đều không dễ dàng. Vì ở Việt Nam, thầy Ngọc công tác ở Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên, nên quyết định gắn bó nhiều năm với nước bạn Lào là thầy đã bỏ lỡ các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khác trong nước. Là con trai duy nhất trong gia đình, bố mẹ thầy cũng đang giục về...

Nhưng việc xa Viêng Phu Kha và những học trò thân yêu giờ đây thật khó khăn. Thầy Ngọc bảo, thời gian công tác ở huyện nghèo vùng cao là có ý nghĩa nhất đối với mình trong những năm tháng ở Lào. Thầy có ý định sẽ trở về cống hiến cho quê hương, nhưng nếu có cơ hội trong tương lai, thầy hy vọng được trở lại để tiếp tục đồng hành với các em học sinh Lào.

Thầy Ngọc tâm sự, thực ra lúc đầu không yêu thích nghề giáo viên, nhưng trải qua gần 10 năm đứng lớp, gắn bó với đất nước, con người Lào, tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người đã dành trọn cho đất nước Lào bằng việc giảng dạy tiếng Việt, vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia, thầy nhận thấy công việc này tuy thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa nên càng yêu nghề hơn. “Nếu có cơ hội để gắn bó dài lâu, có những điều kiện tốt hơn nữa, tôi nghĩ các thầy cô giáo đang giảng dạy tiếng Việt tại Lào nói chung và bản thân tôi nói riêng sẽ cố gắng phấn đấu đóng góp và tiếp tục gắn bó với chương trình”, thầy Ngọc cho biết.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-quy-mao-2023/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-quy-mao/thay-giao-nguoi-viet-tren-ban-vung-cao-lao-716905