Thầy Tâm tâm huyết với học trò nghèo

Tròn 10 năm gắn bó với học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Cư A Mung, huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) cũng là từng ấy năm thầy giáo Nguyễn Văn Tâm dành trọn tình thương yêu của mình đồng hành với các em học trò nghèo trên con đường đi tìm con chữ...

Sẵn sàng về nơi gian khó

Mới đây, chúng tôi có dịp đến Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, ngôi trường thuộc xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), khi hỏi đến thầy giáo Nguyễn Văn Tâm, học trò nào cũng biết bởi thầy không chỉ là giáo viên Tổng phụ trách Đội mà còn là người thực hiện mô hình nấu cơm trưa hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tâm sinh năm 1993, trong một gia đình nghèo tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Văn Tâm đã nuôi trong mình ước mơ sau này được đứng trên bục giảng để mang con chữ đến với các em học sinh nghèo. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 3 Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Tâm có ý định nghỉ học vì nhà nghèo, không có tiền theo học. Song bố mẹ Tâm quyết tâm đi vay mượn để cho con tiếp tục theo đuổi ước mơ làm thầy giáo.

 Thầy Nguyễn Văn Tâm sấy tóc cho một học sinh nữ sau khi gội đầu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Văn Tâm sấy tóc cho một học sinh nữ sau khi gội đầu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2015, Nguyễn Văn Tâm về công tác tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Khi mới về trường, thầy đã cảm nhận được sự vất vả của bà con nơi đây. Mùa mưa, đường trơn trượt, xe dễ gặp tai nạn, mùa nắng thì bụi phủ như sương mù, vì vậy đã không biết bao nhiêu lần thầy Tâm bị ngã xe trên con đường đất đỏ, bùn đất bám đầy người. Mặc dù gặp vô vàn khó khăn, song thầy Tâm xác định được lý tưởng của mình và quyết định gắn bó lâu dài với các em học sinh nơi đây.

Những ngày đầu đảm nhiệm Tổng phụ trách Đội, thầy Tâm cảm thấy rất bỡ ngỡ, ngay từ việc giao tiếp với học sinh cũng như kỹ thuật sử dụng trống Đội hay Semaphore (cách truyền tin sử dụng cờ) đều rất mới mẻ. Tuy nhiên, từng ngày tiếp xúc với các em học sinh và được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, thầy Tâm dần cảm nhận được sự yêu thương và trách nhiệm mà mình đang gánh vác. “Tôi rất thương các em học sinh nơi đây, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các em luôn tươi cười và chăm chỉ. Tôi quyết tâm không chỉ là một giáo viên tốt mà còn là người bạn đồng hành của các em”, thầy Tâm chia sẻ.

Nấu cơm cho đàn con thân yêu

Trường Tiểu học Lê Đình Chinh hiện có 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bố mẹ các em phải đi làm rẫy từ sáng sớm đến tối muộn, vì vậy, nhiều em phải mang cơm từ nhà để ăn trưa. Có những em 4 giờ đã phải dậy chuẩn bị cơm rồi đi bộ tới trường. Nhìn những túi cơm của các em thường chỉ có ít cơm, muối và rau đã nguội lạnh, thầy Tâm không thể cầm lòng nên đã nghĩ đến việc nấu cơm trưa tại trường cho các em.

Thầy Nguyễn Văn Tâm vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Văn Tâm vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024. Ảnh do nhân vật cung cấp

Được sự đồng ý của nhà trường và sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, bắt đầu từ năm học 2023-2024, bếp cơm ấm lửa được nổi lên từ chính những bàn tay hằng ngày cầm phấn trắng mà “bếp trưởng” là thầy giáo Nguyễn Văn Tâm. Những tháng đầu tiên, thầy Tâm trích một phần tiền lương của mình để mua thức ăn và mỗi tuần 4 bữa trưa (từ thứ hai đến thứ năm) thầy tự tay vào bếp nấu cơm cho 6 em học sinh ở điểm trường thuộc thôn 3, xã Cư A Mung. Thấy việc làm ý nghĩa của thầy Tâm, các thầy, cô giáo khác và một số nhà hảo tâm đã chung tay ủng hộ để bếp của thầy Tâm được lớn hơn, bền vững hơn và số lượng học sinh được thụ hưởng cũng nhiều hơn.

Bước sang năm thứ hai của dự án, thầy Tâm đã tổ chức nấu cơm trưa cho gần 30 em ở điểm trường chính. Tuy không giỏi nội trợ, song thầy Tâm không ngại ngần “đứng bếp”, thầy luôn nghĩ rằng, nấu những bữa cơm cho học trò phải ngon như nấu ở nhà. Thế là buổi tối, thầy Tâm lại có thêm một việc là chuẩn bị thực phẩm tươi ngon để hôm sau nấu cho kịp giờ, không ảnh hưởng tới thời gian dạy chính khóa.

Trong công tác chuyên môn, thầy Tâm còn có nhiều sáng kiến nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động Đội, như: “Một số biện pháp nhằm nâng cao phong trào công tác Đội”, sáng kiến: “Một số biện pháp thay đổi trong giờ chào cờ đầu tuần”... Đặc biệt, từ tháng 10-2024, thầy Tâm còn triển khai dự án “Tóc xinh cùng em”. Thầy Tâm cho biết, trẻ em gái ở đây thường bị bụi bẩn bám vào tóc, ở nhà các em lại ít gội đầu nên rất hay bị ngứa, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Vì vậy, thầy Tâm đã xin được 4 chiếc máy sấy tóc, dầu gội đầu và tổ chức cho học sinh nữ gội đầu thường xuyên. “Ở đây thanh niên lập gia đình sớm, tỷ lệ ly hôn cao nên có một số học sinh nữ từ nhỏ đã không còn được gặp mẹ. Nhiều em chưa bao giờ được mẹ gội đầu và buộc tóc. Tôi gội đầu cho các em nên nhiều em coi tôi như là mẹ của mình”, thầy Tâm cho biết thêm.

Nâng bước học trò đến trường

Do nhà trường nằm ở địa bàn khó khăn, đời sống của người dân còn vất vả nên nhiều em học sinh thường bỏ học để phụ giúp bố mẹ đi làm nương, làm rẫy, đặc biệt là sau các dịp nghỉ lễ hay sau mùa thu hoạch nông sản. Thậm chí có những em đang học giữa chừng, đến giờ giải lao thì bỏ về. Khi các thầy, cô giáo lên rẫy tìm thì thấy các em đang phụ bố mẹ hái tiêu, thu hoạch điều. Cũng vì thế mà buổi tối, các thầy cô lại đến tận nhà để vận động các em đến trường.

Tuy nhiên, để vận động được các bậc phụ huynh cũng không phải việc dễ dàng, bởi nhiều người cho rằng con mình chỉ cần đọc được chữ là đủ, phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, vì có tiếp tục theo học thì sau này cũng như bố mẹ, chỉ ở nhà làm nương, làm rẫy. Song, thầy Tâm chưa khi nào bỏ cuộc, trời tối mà phụ huynh chưa về thì thầy sẽ đợi đến muộn, đến khuya. Nếu phụ huynh muốn con ở nhà, thầy Tâm sẽ nhẹ nhàng khuyên nhủ, phân tích được mất và lắng nghe tâm tư của chính học sinh để thuyết phục bố mẹ cho con trở lại trường. Một lần chưa được, thầy sẽ đến lần hai, lần ba, đến khi nào phụ huynh đồng ý mới thôi. Có những trường hợp vừa vận động đi học trở lại được ít ngày thì học sinh lại nghỉ học, thế là thầy lại tìm đến nhà vận động tiếp. Ngoài ra, thầy Tâm còn thường xuyên kêu gọi các "mạnh thường quân" ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo... tiếp bước các em đến trường. “Tôi đang ấp ủ dự án sữa cho các em. Tôi muốn rằng, hằng ngày, mỗi em sẽ có một hộp sữa vào buổi sáng để có thêm năng lượng học tập và phát triển thể chất”, thầy Tâm cho biết.

10 năm qua, có biết bao học trò được thầy Tâm dạy dỗ khôn lớn, một trong những học trò mà thầy Tâm ấn tượng nhất là em Nông Thị Thương. “Trước kia, ở đây không ai biết đến môn cờ vua, song tôi đã động viên Thương học chơi cờ và tham gia thi đấu cờ vua cấp huyện. Ngày đi thi, tôi chở Thương bằng xe máy băng qua những đoạn đường bùn lầy, ngã lên ngã xuống mấy lần. Đến điểm thi thì trên người hai thầy trò dính đầy bùn đất. Thương vào thi và xuất sắc đoạt giải nhì cấp huyện. Trải qua những khó khăn và thử thách, tôi đã dần cảm thấy yêu nghề và thương mến học trò hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ chính là động lực để tôi kiên trì và quyết tâm bám trụ với nghề”, thầy Tâm cho biết.

Nhận xét về thầy giáo Nguyễn Văn Tâm, thầy Lê Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh cho biết: “Thầy Tâm có vẻ bề ngoài rất nghiêm khắc, nhưng thầy lại rất tình cảm, đặc biệt là rất thương yêu học trò. Thời gian qua, các chương trình hoạt động của thầy Tâm luôn hướng tới hỗ trợ học trò nghèo nên được phụ huynh và nhà trường rất tin tưởng, đánh giá cao. Thầy Tâm là tấm gương sáng để các thầy, cô giáo và các em học sinh học tập, noi theo”.

NGUYỄN DUY KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/thay-tam-tam-huyet-voi-hoc-tro-ngheo-822124