Thay vì thu tiền, cha mẹ thông thái sẽ làm điều này với tiền lì xì của con sau Tết

Tiền lì xì có thể trở thành một cơ hội giáo dục tài chính vô cùng quý giá. Đây không chỉ là món quà may mắn đầu năm, mà còn là công cụ tuyệt vời để dạy trẻ những bài học đầu tiên về quản lý tài chính.

Trẻ cảm thấy thế nào khi bị cha mẹ thu tiền lì xì?

Đối với con trẻ, Tết có lẽ là thời điểm được ưa thích nhất trong năm, bởi đây là dịp trẻ được nhận tiền lì xì mừng tuổi. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ có chung một nỗi lo lắng là không biết làm thế nào với tiền lì xì của con cái? Để chúng tự giữ lấy thì sợ con làm mất hoặc tiêu tiền bừa bãi. Do đó, “để mẹ giữ tiền lì xì hộ cho” là câu nói quen thuộc của nhiều ông bố bà mẹ, nhưng hầu như tiền một đi không trở lại.

Theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Đỗ Thu Hồng, việc cha mẹ tự ý giữ tiền lì xì của con mà không có sự đồng thuận hay minh bạch có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề tiền bạc, mà còn liên quan đến việc xây dựng lòng tin và các kỹ năng quản lý tài chính của trẻ trong tương lai.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Đỗ Thu Hồng.

Khi cha mẹ không tôn trọng quyền sở hữu tài sản của con có thể khiến trẻ hình thành tâm lý không tin tưởng về vấn đề tiền bạc, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi tài chính không lành mạnh khi trưởng thành như chi tiêu vô độ hoặc giấu giếm tài chính với người thân.

Khi trẻ bày tỏ mong muốn được tự quản lý tiền lì xì chính là cơ hội tốt để bắt đầu giáo dục tài chính. Cha mẹ nên tôn trọng mong muốn này và biến nó thành một trải nghiệm học tập có ý nghĩa. Thay vì áp đặt, hãy cùng con thảo luận về cách sử dụng tiền một cách khôn ngoan, đặt ra những mục tiêu tài chính phù hợp với độ tuổi. Cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong việc lập kế hoạch chi tiêu, hướng dẫn con cách cân nhắc giữa những nhu cầu thiết yếu và mong muốn, đồng thời giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm.

Thay vì thu tiền, hãy dạy trẻ cách quản lý tiền

Theo chuyên gia Đỗ Thu Hồng, trên thực tế, tiền lì xì là một cơ hội giáo dục tài chính vô cùng quý giá. Đây không chỉ đơn thuần là món quà may mắn đầu năm, mà còn là công cụ tuyệt vời để dạy trẻ những bài học đầu tiên về quản lý tài chính. Trước tiên, cha mẹ nên cùng con đếm và phân loại tiền, biến đây thành một hoạt động học tập thú vị. Sau đó, hãy hướng dẫn con phân bổ tiền theo nguyên tắc 3 phần: 1 phần để tiêu dùng những nhu cầu hợp lý, 1 phần để tiết kiệm dài hạn, và 1 phần nhỏ để chia sẻ hoặc làm từ thiện.

Bà Hồng nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng là cho phép trẻ được tự do ra quyết định với phần tiền tiêu dùng của mình. Đây chính là cơ hội để trẻ được "thử và sai" với chi phí thất bại thấp. Ví dụ, nếu con quyết định dùng hết tiền để mua một món đồ chơi ngay lập tức và sau đó không còn tiền cho những thứ khác, đây sẽ là bài học thực tế giá trị về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chi tiêu. Khi trẻ tự ra quyết định, các em sẽ học được cách chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Cha mẹ có thể kể cho con nghe câu chuyện "Con ngỗng đẻ trứng vàng" để dạy con về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển nguồn tài sản. Từ đó, hãy hướng dẫn con cách xây dựng "con ngỗng đẻ trứng vàng" của riêng mình thông qua việc tiết kiệm và đầu tư khôn ngoan. Cha mẹ có thể giải thích rằng khoản tiền tiết kiệm chính là "con ngỗng", và tiền lãi hay những khoản thu nhập từ đầu tư chính là những "quả trứng vàng" mà con có thể thu hoạch trong tương lai.

Với cách tiếp cận này, tiền lì xì không chỉ là một khoản tiền may mắn đầu năm mà còn trở thành công cụ giáo dục tài chính hiệu quả, giúp trẻ phát triển tư duy tài chính lành mạnh ngay từ nhỏ.

Với tiền lì xì của trẻ, cha mẹ nên tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm tài chính có ý nghĩa giáo dục cho con. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là đưa con đến ngân hàng để mở sổ tiết kiệm. Đây sẽ là trải nghiệm đặc biệt ý nghĩa, khi lần đầu tiên trẻ được bước vào một định chế tài chính chuyên nghiệp và cảm nhận được việc sở hữu tài sản của mình một cách chính thức.

Trong quá trình mở sổ tiết kiệm, hãy để con tự giới thiệu với nhân viên ngân hàng, được nghe giải thích về lãi suất và cách tính lãi, tự ký tên vào sổ tiết kiệm (nếu đủ tuổi), giữ sổ tiết kiệm và định kỳ kiểm tra số dư

Ngoài sổ tiết kiệm, cha mẹ có thể hướng dẫn con đầu tư vào việc phát triển bản thân như mua sách, khóa học về kỹ năng mà con yêu thích, đầu tư vào các dụng cụ học tập, sáng tạo, tham gia các lớp học ngoại khóa bổ ích, thậm chí là dùng một phần nhỏ để thử nghiệm kinh doanh đơn giản (như mở gian hàng nhỏ bán đồ uống trong dịp hè).

Điều quan trọng là luôn để con tham gia vào quá trình ra quyết định và theo dõi sự tăng trưởng của tài sản của mình. Qua đó, trẻ sẽ học được bài học về giá trị của tiền bạc, sự kiên nhẫn trong đầu tư, và niềm vui khi thấy "đồng tiền sinh sôi" từ những nỗ lực của chính mình.

Vân Anh

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/thay-vi-thu-tien-cha-me-thong-thai-se-lam-dieu-nay-voi-tien-li-xi-cua-con-sau-tet-236849.html