Biện pháp giảm khó chịu khi uống nhiều rượu
Cảm giác mệt mỏi, đau đầu, hơi thở đầy mùi rượu... là dấu hiệu của việc uống nhiều rượu, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vậy có cách nào giảm nhanh sự khó chịu này?
1. Vì sao uống nhiều rượu lại gây khó chịu?
Khi uống nhiều rượu có thể dẫn tới khó chịu, nôn nao với các biểu hiện như hơi thở có mùi rượu, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ, da đỏ ửng, rối loạn nhịp tim, nôn mửa, hôn mê...
Nguyên nhân này là do:
- Rượu khiến hệ thống miễn dịch giải phóng cytokine, đây là các protein giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể. Những cytokine này kích hoạt nhiều triệu chứng khó chịu, nôn nao khi uống nhiều rượu như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu, mất trí nhớ...
- Bên cạnh đó, rượu làm gián đoạn quá trình giao tiếp giữa não và thận nên thay vì giữ nước như bình thường, cơ thể phải đi tiểu nhiều hơn. Việc mất chất lỏng này dẫn đến tình trạng mất nước nhẹ, gây ra các triệu chứng như khát nước, mệt mỏi và đau đầu...
- Uống nhiều rượu khiến dạ dày sản xuất nhiều axit hơn, ngăn dạ dày tiêu hóa bình thường dẫn đến đau dạ dày, buồn nôn và nôn. Uống nhiều rượu cũng khiến cơ thể sản xuất nhiều axit lactic hơn, làm hạn chế quá trình sản xuất đường trong máu gây cảm giác mệt mỏi, run rẩy, đổ mồ hôi và đói.
Ngoài ra, uống nhiều rượu có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ khiến cơ thể không có được giấc ngủ sâu, phục hồi và còn khiến mạch máu bị giãn ra hoặc mở rộng gây giảm huyết áp tạm thời với biểu hiện đau đầu, một biểu hiện khó chịu rất thường gặp.
2. Biện pháp giảm khó chịu khi uống nhiều rượu
Khi uống nhiều rượu cơ thể cần thời gian để gan đào thải chất độc ra ngoài. Chính vì vậy, hầu như không có biện pháp hiệu quả nào giải rượu nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để không làm trầm trọng thêm tình trạng say xỉn, đồng thời làm giảm các biểu hiện khó chịu, hỗ trợ gan đào thải rượu bao gồm:
- Uống nhiều nước:Rượu làm cơ thể mất nước bằng cách tăng lượng nước tiểu mà thận tạo ra. Cơ thể cũng mất nước khi đổ mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy sau khi uống nhiều rượu. Mất nước gây ra các triệu chứng như khô miệng và đau đầu. Việc uống nước giúp làm chậm tốc độ cơ thể hấp thụ rượu và giữ mức cồn trong máu thấp hơn.
Do đó, nếu bạn uống nhiều rượu, hãy uống nước trước khi nghỉ ngơi để hạn chế tác dụng của rượu. Bạn cũng nên để một chai nước bên giường để uống ngay khi thức dậy sẽ giúp giữ nước hoặc có thể tiêu thụ thức uống thể thao để thay thế natri, kali và các chất điện giải khác đã bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy hoặc tiêu thụ các loại trái cây chứa nhiều nước như cam, bưởi...
Nghỉ ngơi:Bạn có thể làm dịu các biểu hiện khó chịu khi uống nhiều rượu bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn hay đơn giản nhất là ngủ. Nguyên nhân do cơ thể cần thời gian để thanh lọc các chất độc được tạo ra khi cơ thể phân hủy rượu, bù nước, chữa lành các mô bị kích thích trong ruột, trả lại hệ thống miễn dịch cũng như hoạt động của não bộ về trạng thái bình thường...
Ăn tinh bột:Rượu làm giảm lượng đường trong máu khiến mức năng lượng thấp, gây ra tình trạng chóng mặt và run rẩy. Do đó, não cần tinh bột để cung cấp năng lượng. Trong trường hợp này, bạn nên tiêu thụ một vài lát bánh mì nướng hoặc một vài chiếc bánh quy nguyên hạt để đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường. Bạn cũng sẽ tiếp thêm năng lượng cho bản thân bằng cách ăn cháo trắng, cháo trứng, phở gà, trái cây mọng nước...
3. Cách nào để không uống nhiều rượu?
Uống nhiều rượu không chỉ gây ra những khó chịu ngay sau đó mà còn là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, để tránh uống nhiều rượu cũng như hạn chế những tác hại này, bạn nên uống rượu khi bụng no, uống chậm, uống có chừng mực.
Theo khuyến cáo, nam giới chỉ nên tiêu thụ từ 40-80ml rượu mạnh hoặc 2 lon bia/ngày, phụ nữ chỉ nên tiêu thụ từ 20-40ml rượu mạnh hoặc 1 lon bia/ngày. Bên cạnh đó, bạn không nên pha trộn đồ uống vì dễ làm tăng nồng độ cồn trong máu và nên uống một cốc nước giữa các lần uống đồ uống có cồn. Điều này sẽ giúp bạn uống ít rượu hơn và giảm tình trạng mất nước do uống rượu.
Uống nhiều rượu, một lần hoặc lâu dài đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định, thay đổi tâm trạng, gây tổn thương tim, gan và nguy hiểm nhất là làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Mời bạn xem tiếp video: