Thẻ căn cước có khả năng bảo mật cao, chống làm giả, chip tích hợp công nghệ tối tân
Thường trực Ủy ban QPAN cho biết, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả. Trong chip điện tử có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt.
Muốn đọc chip điện tử phải có sự xác thực vân tay, khuôn mặt
Sáng 15/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước.
Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước…
Thường trực Ủy ban QPAN nhận thấy, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ nhân dân. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật chưa xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm dữ liệu quốc gia nên quy định việc kết nối với các cơ sở dữ liệu là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể khi luật đã giao nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị UBTVQH cho bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật.
Về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV), có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo luật. Có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.
Thường trực Ủy ban QPAN cho biết, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập và truy xuất dữ liệu.
Hầu hết các ĐBQH đều thống nhất với tên gọi
Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 6, có 16 ý kiến đóng góp, phần lớn ý kiến ĐBQH đồng tình các vấn đề lớn và góp ý, chỉnh sửa một số nội dung hoàn thiện dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn đã được tiếp thu, giải trình và đã được đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại Điều 24, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao tiếp thu nội dung này, bởi từ khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, một số ý kiến tranh luận và đã nghiên cứu tiếp thu theo hướng: theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do cấp sắp xếp đơn vị hành chính. Nội dung này rất quan trọng, thể hiện sự thận trọng, lắng nghe ý kiến của cơ quan.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, qua thảo luận tại hội trường cho thấy hầu hết các ĐBQH đều thống nhất với tên gọi. Tuy nhiên sau thảo luận có một số ĐBQH gửi văn bản đề cập đến việc thay đổi nhiều, do đó, đề nghị phải có giải trình thêm vấn đề này.
Theo đó, cần làm rõ thêm với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước và đổi tên thành thẻ căn cước sẽ tạo điều kiện cho các công tác quản lý nhà nước và thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các nội dung trong Báo cáo đã đảm bảo phù hợp. Để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, công tác thông tin tuyên truyền cần được tăng cường, thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu quy định liên quan đến điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, đối với thẻ CCCD cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sắp hết hạn sẽ có giá trị sử dụng đến hết năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh dự luật. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, cơ quan soạn thảo cơ bản nhất trí với những định hướng để hoàn chỉnh dự thảo luật. Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban QPAN để tiếp tục tiếp thu, giải trình, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật.