THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

Góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để từng bước hoàn thiện và đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên

Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trên cơ sở các tài liệu do Hội đồng Dân tộc - Cơ quan chủ trì tham mưu lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gửi đến, với trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên đã tham gia đóng góp ý kiến với Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập để cùng hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng với các mục đích, yêu cầu theo chỉ đạo của Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước hết, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên bày tỏ sự đồng tình cao với các tài liệu do Hội đồng Dân tộc - Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị. Trong đó các dự thảo về Tờ trình, dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, dự thảo Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung và dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các tài liệu này cơ bản đã đảm bảo về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tổng hợp, chuẩn bị tài liệu được thực hiện công phu, nghiêm túc và đầy đủ.

Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên thống nhất với Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dự thảo Báo cáo đã tổng hợp và làm rõ được những kết quả trong việc thi hành Luật từ Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp của 63 tỉnh, thành phố; kèm theo đó là các phụ lục tổng hợp các số liệu, kết quả trong hoạt động giám sát tương đối đầy đủ.

Đối với dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên đồng tình với các nội dung về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn. Có thể nói sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Qua hoạt động giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội nhận thấy, sau 07 năm thực hiện trong thực tiễn còn những bất cập, hạn chế, khó khăn nhất định và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để từng bước hoàn thiện và đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong dự thảo Tờ trình cũng đã nêu rất rõ mục đích, quan điểm để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời phù hợp với những đổi mới về tổ chức bộ máy của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng như các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và kế thừa và phát huy những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Tờ trình và dự thảo Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, các bài học kinh nghiệm thực tiễn của HĐND các cấp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất là: Nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn các quy định về sự liên thông, mối quan hệ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là việc lựa chọn hình thức giám sát, nội dung giám sát, đối tượng giám sát trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát để tránh trùng lặp về nội dung đối tượng trong cùng một năm giám sát. Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên cho rằng, nội dung này tuy đã được nêu tại Điều 15 Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng mới chỉ mang tính chất hướng dẫn lựa chọn chuyên đề giám sát. Đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể giao HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề các nội dung cần quan tâm.

Đoàn giám sát số 02 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên làm Trưởng Đoàn làm việc với quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Đoàn giám sát số 02 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên làm Trưởng Đoàn làm việc với quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Thứ hai là: Nghiên cứu rà soát, sơ kết việc triển khai thực hiện ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND". Trên cơ sở kết quả thực hiện, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên nhận thấy, cần lựa chọn những nội dung, vấn đề cần được luật hóa để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung làm căn cứ để thống nhất thực hiện. Trong dự thảo Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung đã có một số nội dung, tuy nhiên cần nghiên cứu bổ sung thêm, nhất là hoàn thiện các quy trình thực hiện giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Thứ ba là: Nghiên cứu mở rộng và quy định rõ hơn về đối tượng giám sát, nhất là các đối tượng giám sát trong hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát chuyên đề và chất vấn của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.

Hiện nay, thực hiện theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước của chính quyền các địa phương đang tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp dưới, trong đó Quốc hội, Chính phủ có các Nghị quyết, quyết định thể hiện rất rõ điều này thông qua các nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương và HĐND, UBND các tỉnh thành phố đã ban hành các Nghị quyết, quyết định về việc phân cấp, ủy quyền các lĩnh vực tại địa phương. Cùng với việc phân cấp, phân quyền thì cũng cần phải thực hiện nghiêm túc trong công tác kiểm soát quyền lực, giám sát, kiểm tra việc thực hiện phân cấp, các nhiệm vụ được phân quyền và ủy quyền.

Do đó, Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ đối tượng giám sát trong chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể mở rộng, bổ sung tới Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đối tượng giám sát trong chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND có thể mở rộng, bổ sung tới Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các lĩnh vực, nhiệm vụ được Trung ương và chính quyền cấp trên phân cấp, ủy quyền. (Nội dung này cũng đã được thể hiện trong Điều 14 Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Có thể thấy trong thực tế hoạt động chất vấn của HĐND và Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, khi đối tượng trả lời chất vấn là Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và thủ trưởng một số cơ quan tham gia trả lời sẽ làm rõ hơn những vấn đề còn hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời làm rõ trách nhiệm, chỉ ra được hạn chế của cơ quan nào, từ đó sẽ đưa ra được các giải pháp cụ thể, góp phần làm cho hoạt động chất vấn được thực chất, hiệu quả, đi tới cùng vấn đề và chỉ ra được các biện pháp, giải pháp khả thi gắn với trách nhiệm, lộ trình cụ thể trong những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn.

Thứ tư là: Nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật. Hiện nay nội dung này chưa có trong quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 17 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh là “Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn.”

Thứ năm là: Nghiên cứu bổ sung rõ hơn quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc phân công, chỉ đạo điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND đối với HĐND tỉnh, thành phố và HĐND các quận, huyện, thị xã.

Thứ sáu là: Cần lưu ý đối với quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể đối với các địa phương thực hiện và thí điểm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị cần rà soát chỉnh sửa để trùng khớp với các quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội. Theo đó sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường ở nơi không tổ chức HĐND quận, HĐND phường. Đồng thời đối với chức danh Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố cũng không thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội. Do đó đề xuất nghiên cứu sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 63 của Luật theo hướng quy định các chức vụ lấy phiếu tín nhiệm đối với khối HĐND gồm: “Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân”.

Thứ bảy là: Nghiên cứu quy định cụ thể về cơ quan đầu mối theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Để linh hoạt trong việc thực hiện, đề xuất quy định theo hướng Thường trực HĐND phân công một Ban của HĐND thực hiện nội dung này. Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên nêu ví dụ, hiện nay Thường trực HĐND Thành phố đang giao Ban Pháp chế là cơ quan đầu mối, chủ trì trong việc theo dõi, giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thứ tám là: Nghiên cứu quy định thống nhất hơn về hình thức của các kết luận giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND. Đề xuất nghiên cứu thống nhất chung theo hình thức “Thông báo kết luận giám sát” về kết quả giám sát để đảm bảo tính phù hợp trong các quy định định của luật. Đồng thời nghiên cứu đối với quy định báo cáo của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND nên giản lược bớt các bước vì đối với địa phương thì đối với các Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đều đã bao gồm là thành viên của Thường trực HĐND, thành viên các Ban của HĐND, do đó nên giản lược quy trình sau các cuộc giám sát chỉ cần ban hành một Thông báo kết luận có bao gồm cả kết quả giám sát và các nội dung yêu cầu, kiến nghị, không nên ban hành báo cáo của Đoàn giám sát.

Thứ chín là: Nghiên cứu quy định về chế độ báo cáo của các đối tượng giám sát về kết quả thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của HĐND, thông báo kết luận giám sát chuyên đề, thông báo kết luận chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND; thông báo kết luận giám sát của các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện. Theo đó, đề xuất nghiên cứu bổ sung nội dung này vào điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật quy định về hoạt động của HĐND trong việc Xem xét báo cáo.

Thứ mười là: Nghiên cứu bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực các Ban của HĐND (Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại HĐND cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố) trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban của HĐND. Hiện nay trong các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chưa có những quy định cụ thể đối với Thường trực các Ban của HĐND, tuy nhiên trong thực tiễn hoạt động hiện nay của HĐND thì các Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, Ủy viên hoạt động chuyên trách (đối với HĐND Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì có các chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách) có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình hoạt động, kế hoạch giám sát của Ban, chuẩn bị các dự thảo báo cáo thẩm tra của Ban của HĐND. Phó Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên cho rằng, việc bổ sung quy định như trên cũng là kế thừa các quy định cũng như kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84746