Thể chế, thủ tục hành chính phức tạp đang bó buộc năng động, sáng tạo của địa phương

Sáng 30-5, trong phiên Quốc hội thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đặt vấn đề, phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ. Điều này đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước.

Ngày 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chương trình giám sát và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Dự báo năm 2025 rất nóng về vấn đề môi trường

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng chuyên đề 1: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là rất cần thiết, phải giám sát tối cao.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo SGGP trao đổi nhanh với các đại biểu Quốc hội về nội dung giám sát tối cao năm 2025. Thực hiện: VĂN MINH

Theo ĐB, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước, không khí nói riêng đã được nhiều ĐB đề cập tới. Trên thực tế, việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thêm, theo quy định bắt đầu từ năm 2025, bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải tại nguồn.

Thời gian không còn nhiều, ĐB cho rằng điều lo lắng là khâu chuẩn bị thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển đạt chuẩn, nơi tập kết xử lý rác... Ngoài ra, hiện nay đang thiếu quy định về định mức, đơn giá thu gom, xử lý rác.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước thực trạng này, ĐB cho rằng năm 2025, Quốc hội rất cần thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng năm 2025 là năm cuối thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội khóa XV. Vì vậy, ĐBQH khóa XV phải thấy trách nhiệm, lời hứa với cử tri.

 Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân góp ý trong phiên thảo luận, sáng 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân góp ý trong phiên thảo luận, sáng 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong đó, ĐB đặc biệt quan tâm đến hai nội dung là quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công và vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Cho nên, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị nên đưa thêm hai nội dung này vào giám sát tối cao năm 2025 của Quốc hội.

ĐB Trần Hoàng Ngân dẫn chứng thời gian qua, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết đặc thù dành cho một số địa phương và tới đây sẽ có thêm những địa phương khác.

 Đại biểu Quốc hội dự phiên họp, sáng 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên họp, sáng 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

“Điều này cho thấy rằng, rất cần sự thay đổi đột phá trong luật pháp hiện nay, nhất là trong Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Cho nên, kiến nghị Quốc hội tăng thêm một chuyên đề giám sát liên quan kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương”, ĐB kiến nghị và nhấn mạnh, qua đó góp phần hoàn thiện pháp luật hiện hành có liên quan.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp

Góp ý nhằm hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình giám sát năm 2025, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính.

Việc này để Quốc hội nghiên cứu thảo luận và giám sát có chất lượng hơn, nhất là đối với các lĩnh vực cần phải thực hiện cải cách để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: QUANG PHÚC

Từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện cắt giảm 2.866 quyết định kinh doanh, phân cấp 206 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 763 thủ tục hành chính.

Đồng thời rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Chính phủ và kiến nghị của cử tri vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

 Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận, sáng 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận, sáng 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Một vấn đề được ĐB đặt ra đó là, vì sao thời gian qua, Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, từ đặc thù cho các công trình giao thông đường bộ đến các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, các địa phương đều xin cơ chế đặc thù về đầu tư, xây dựng, tài chính- ngân sách, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, biên chế bộ máy của chính quyền đô thị…

"Phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ. Điều này đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước”, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhìn nhận.

Từ đó kiến nghị, trong năm 2025, Quốc hội cần tổ chức các phiên giải trình liên quan thủ tục hành chính và giám sát các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp, địa phương đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi.

Cần báo cáo, đánh giá độc lập

Phân tích các báo cáo giám sát, ĐB Bế Trung Anh (Trà Vinh) cho rằng, hiện nay các báo cáo, đánh giá thường dựa vào báo cáo của các bộ, ngành.

Do vậy, ĐB kiến nghị các cơ quan của Quốc hội khi thực hiện giám sát cần đánh giá, báo cáo độc lập mới đảm bảo tính khách quan, chính xác.

“Như vậy mới thể hiện được sự khách quan của người đi giám sát”, ĐB cho biết và giảm tối thiểu các văn bản, nghị quyết thiếu tính đi vào cuộc sống.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-che-thu-tuc-hanh-chinh-phuc-tap-dang-bo-buoc-nang-dong-sang-tao-cua-dia-phuong-post742210.html