Thế giới hội họa của Hoàng Anh Trung
Với Hoàng Anh Trung, cuộc sống không chỉ là chất liệu để thực hành hội họa đơn thuần, mà còn là không gian ươm mầm cảm xúc. Quan sát thế giới, hiểu được cách vạn vật hình thành, nhận biết về sự vận hành và những gì đang hiện diện chung quanh là chìa khóa để Hoàng Anh Trung khám phá thế giới nghệ thuật của riêng mình.

Họa sĩ Hoàng Anh Trung chia sẻ với phóng viên về quá trình sáng tạo. (Ảnh: Mơ Art Space)
Tìm cái đẹp từ những điều bình dị
Sau một tháng mở cửa rộng rãi đón khách thưởng lãm, trưng bày cá nhân "Sao bốn cánh" của Hoàng Anh Trung đã nhận về nhiều phản hồi tích cực của công chúng. Triển lãm đầu tay này cũng đánh dấu một chặng đường mới cho nghệ sĩ: lần đầu tiên thế giới hội họa của Hoàng Anh Trung đối thoại với đông đảo những người yêu nghệ thuật.
Với "Sao bốn cánh", Hoàng Anh Trung dẫn công chúng bước vào vùng nghệ thuật của riêng mình. Nơi ấy, mọi đường nét và màu sắc đều hằn in dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ. Và giữa không gian ấy, cái đẹp được tìm thấy từ những điều bình dị nhất.
"Tôi từng đặt chân đến nhiều nơi, được tận mắt nhìn thấy biết bao cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của đất nước. Những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, hay đôi khi, chỉ là sự ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của một dòng sông, một ngôi đền hay ngôi chùa... đều khơi dậy trong tôi những cảm hứng sáng tạo", họa sĩ trẻ chia sẻ.
Hoàng Anh Trung sinh năm 1997 tại Hà Nội. Anh từng theo học Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng sau đó quyết định rời bỏ con đường này để tìm kiếm một hướng đi mới. Trung khát khao tìm kiếm một phương thức sáng tác tự do và bản năng hơn. Và doodle (vẽ ngẫu hứng) nhanh chóng trở thành lối đi anh lựa chọn.
Tranh của Trung thường lấy cảm hứng từ những gì tưởng chừng vụn vặt trong đời sống thường nhật: một nhân vật hoạt hình, vài mẩu truyện tranh cũ, món ăn vặt tuổi thơ, hay đôi ba họa tiết kiến trúc lặp đi lặp lại trong ký ức... Tất cả đều trở thành chất liệu cho anh đặt bút sáng tạo.

Một góc trưng bày các sản phẩm sắp đặt thú vị của Hoàng Anh Trung tại triển lãm.
"Trước đây, khi tiếp cận một điều gì đó thú vị, tôi thường chẳng nghĩ ngợi mà đưa tất cả vào tranh. Nhưng sau nhiều năm theo đuổi nghệ thuật, chất liệu sáng tác hội họa cũng được tôi chắt lọc hơn trước. Dần dần, tôi tìm kiếm và đưa vào tranh những câu chuyện dân gian, yếu tố về ", Hoàng Anh Trung cho biết.
Ngắm nhìn "Cảnh xuân bên dòng sông Ngân" trong series "Bốn mùa", không khó để thấy những họa tiết dân gian quen thuộc. Một góc của bức tranh như đang tái hiện cảnh lễ hội tấp nập. Góc khác lại phác họa một buổi họp chợ đông đúc. Thấp thoáng trong tranh còn là hình ảnh của đền Ngọc Sơn, chùa Cầu, chùa Thiên Mụ... "Tôi yêu vẻ đẹp của từng dòng sông, thích thú ngắm những ngôi đền, ngôi chùa dải dọc đất nước", Trung nói.
So với "Cảnh xuân bên dòng sông Ngân", "Bụi sao đêm nhiệt đới" lại mang tinh thần lặng lẽ và trầm tư hơn. Lấy bối cảnh bầu trời hè rực rỡ, tác phẩm theo dấu vệt sáng cuối cùng của một vì sao khẽ khàng rút lui khỏi mọi ánh nhìn. Nhưng những bụi sao mà nó để lại đã gợi mở cho một khởi đầu mới, một sự tái sinh.
Theo Hoàng Anh Trung, sao bốn cánh là hình tượng trung tâm của cả triển lãm. Một ngôi sao phải "đốt cháy" chính nó mới có được một phần trình diễn rực rỡ trên bầu trời. Và những bụi sao lấp lánh là sự tiếp nối đầy hy vọng cho tương lai.
Dạo quanh một vòng triển lãm, có thể thấy, các tác phẩm trong "Sao bốn cánh" không được sắp đặt theo trình tự sẵn có. Chúng xuất hiện từ những dòng suy nghĩ thoáng qua trong tâm trí của nghệ sĩ, một cách tự nhiên và chẳng thể lý giải, rồi thu hút công chúng yêu hội họa bằng nét độc đáo trong bố cục không gian, mảng màu cùng những chi tiết thân thuộc.
Triển lãm hội họa "Sao bốn cánh" của Hoàng Anh Trung sẽ kéo dài đến hết ngày 13/7. Trong khuôn khổ triển lãm, công chúng có thể tham gia sự kiện "Ngẫm về nghệ thuật doodle như một dòng chảy văn hóa" diễn ra vào ngày 12/7 tại Mơ Art Space, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Doodle - lối kể chuyện độc đáo
Thay vì cố gây ấn tượng hay nỗ lực trở thành bản sao của ai khác, Hoàng Anh Trung chấp nhận những điều chưa hoàn hảo của chính mình. Anh thể hiện bản sắc cá nhân một cách trung thực và hồn nhiên qua từng nét vẽ.
Doodle đã giúp Trung tìm về thế giới bên trong, cảm nhận rõ những biến chuyển của tâm hồn, tự do khám phá hội họa mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ khuôn mẫu nào trước đó.
Tinh thần sáng tạo hội họa này được thể hiện rõ trong các tác phẩm của anh: dù ít khi được tính toán hay sắp đặt từ trước nhưng chưa bao giờ thiếu đi sự chăm chút và tỉ mỉ. Trên những tấm toan, bình gốm, những nét vẽ doodle đã trở thành nơi lưu giữ cảm xúc và ký ức.
"Theo tôi, vẽ doodle, trước hết là một dạng kỹ năng. Bằng những ký hiệu, hình ảnh này, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng đến các sự vật, sự việc gần gũi. Khác với quá trình thực hành nhiều dòng tranh khác, một tác phẩm doodle bắt đầu từ việc vẽ các chi tiết. Sau khi lên màu, tự khắc chúng sẽ tạo thành những nhóm bố cục khác nhau. Không tồn tại một cấu trúc định sẵn, mọi yếu tố được sắp xếp theo logic của doodle: sử dụng trực giác thay vì lý trí", Hoàng Anh Trung giãi bày về quá trình sáng tạo.
Sáng tác của Trung là sự dịch chuyển liên tục giữa nhiều tâm trạng, sắc độ và cách tiếp cận khác nhau. Thay vì kể một câu chuyện tuyến tính, với cốt truyện, tuyến thời gian và nhân vật rõ ràng, các tác phẩm của Trung mở ra một cảnh quan đa tầng, nơi những hồi ức chung (của công chúng) và tưởng tượng riêng (của tác giả) được đan cài khéo léo.

Triển lãm thu hút khách quốc tế tham quan.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Lan Chi nhận định: "Quan điểm sáng tác gắn liền với mỹ học đời thường, cùng với việc sử dụng doodle như công cụ chủ đạo, phản ánh một bản năng trong thực hành của Trung: nghệ thuật như một phương thức để cảm nhận và soi chiếu những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Ngôn ngữ thị giác của anh không khởi nguồn từ hệ thống ý niệm phức tạp, mà từ sự tỉ mỉ góp nhặt, sáng tạo từ những chất liệu quen thuộc, để từ đó, nhẹ nhàng phủ lên chúng một lớp ánh sáng kỳ diệu – thứ ánh sáng gợi lại cảm giác ngỡ ngàng khi ta nhìn thế giới bằng đôi mắt trẻ thơ".
Khác với quá trình thực hành nhiều dòng tranh khác, một tác phẩm doodle bắt đầu từ việc vẽ các chi tiết. Sau khi lên màu, tự khắc chúng sẽ tạo thành những nhóm bố cục khác nhau. Không tồn tại một cấu trúc định sẵn, mọi yếu tố được sắp xếp theo logic của doodle: sử dụng trực giác thay vì lý trí.
Họa sĩ Hoàng Anh Trung
Trong tranh của Hoàng Anh Trung, những hình khối quen thuộc cũng xuất hiện với tần suất dày, đôi chỗ có thể đoán được, đôi chỗ lại hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng tạo nên một tiết tấu riêng, dù không theo kịch bản nhưng luôn tràn đầy màu sắc rực rỡ của sự sống.
Sau cùng, "Sao bốn cánh" mang đến một lời mời với công chúng: hãy nán lại, ngắm thêm lần nữa, thử ghép những mảnh tưởng chừng như rời rạc trong bố cục bức tranh thành một điều gì đó có ý nghĩa với chính bạn. Nếu đủ kiên nhẫn, bạn có thể tìm thấy lời giải cho riêng mình về thế giới hội họa của Hoàng Anh Trung.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/the-gioi-hoi-hoa-cua-hoang-anh-trung-post891314.html