Thế giới nỗ lực chống ngập

Thành phố Sydney đang phải chịu đựng đợt mưa lớn và ngập lụt kỷ lục tính từ năm 1858.

Đường phố Sydney ngập nước do mưa lớn. (Nguồn: CNN)

Đường phố Sydney ngập nước do mưa lớn. (Nguồn: CNN)

Thành phố Sydney (bang New South Wales, Australia) ghi nhận 2022 là “năm ẩm ướt” kỷ lục nhất kể từ năm 1858 do những trận mưa lớn trong những ngày qua liên tục đổ xuống miền Đông Australia. Những trận mưa như trút nước đã buộc nhiều người dân phải rời nhà đi sơ tán khi các con sông tràn bờ và nước dâng gây ngập lụt nhiều nơi.

“Thủ phạm” La Ninã

Các nhà khí tượng học dự báo, sẽ có nhiều mưa hơn trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022 do sự xuất hiện hiếm gặp của hiện tượng La Ninã lần thứ ba liên tiếp.

“Vào cuối mùa Hè này, Australia vẫn nằm trong khu vực La Ninã hoạt động mạnh nên lượng mưa sẽ ngày càng nhiều hơn, làm tăng nguy cơ lũ lụt”, chuyên gia Jonathan How từ Cục Khí tượng Australia cho biết.

Kỷ lục lượng mưa hằng năm trong 70 năm qua tại Sydney đã bị phá vỡ, với tổng lượng mưa lên tới 2.216mm, dù còn gần ba tháng nữa mới hết năm 2022. Ðây là lượng mưa cao nhất ghi nhận được từ năm 1858. Với sự xuất hiện của La Ninã, dự báo tổng lượng mưa cả năm nay sẽ còn cao hơn nữa.

Tháng 10 hàng năm vốn là tháng khô hạn ở Australia, nhưng tháng 10 năm nay, thành phố Sydney đã hứng chịu những trận mưa liên tục trong suốt hai tuần qua, ước tính tương đương với lượng mưa của một tháng.

Ban bố cảnh báo lũ lụt

Các nhà chức trách đã cảnh báo về khả năng xảy ra lũ quét và yêu cầu người dân tránh xa những khu vực bị ngập nặng.

Các đập trữ nước đều đã đạt đến mực nước cao nhất. Chính quyền bang New South Wales đã cam kết sẽ nâng chiều cao của bức tường tại Đập Warragamba ở Sydney, nơi cung cấp 80% lượng nước cho thành phố, để giúp ngăn lũ lụt trong tương lai.

Trước đó, vào đợt mưa lũ lớn đầu tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Australia đã cử 100 binh sĩ đến bang New South Wales để hỗ trợ bang đóng bao cát ngăn nước, cùng hai máy bay trực thăng để hỗ trợ giải cứu những người mắc kẹt do lũ.

Chính quyền bang New South Wales mới đây đã ban bố cảnh báo lũ lụt tại 80 thị trấn và khu vực trong bang, trong đó có vùng ngoại ô thành phố Sydney. Nhà chức trách cũng phát cảnh báo về nguy cơ lũ quét tăng cao tại một số địa điểm ven biển do nền đất yếu.

Phát biểu với báo chí hôm 8/10, Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet nhấn mạnh, nguy cơ xảy ra lũ quét trên toàn bang là cao. Hiện các đập và sông địa phương đều đã đầy nước. Trong bối cảnh mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống, chính quyền đã kêu gọi người dân, đặc biệt là ở thành phố Sydney, thận trọng do nguy cơ lũ quét, lở đất và cây đổ.

Để chuẩn bị ứng phó với lũ lụt, Lực lượng Phòng vệ Australia, trực thăng cứu hộ và 500 nhân viên cứu hộ khẩn cấp đã sẵn sàng được triển khai.

Công tác ứng phó sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khi đường phố trở nên đông đúc hơn do học sinh chuẩn bị quay lại trường sau kỳ nghỉ mùa Xuân và khoảng 200.000 khán giả trở về nhà sau khi xem giải vô địch siêu xe.

Các nhà khoa học Australia cảnh báo lũ lụt, cháy rừng, lốc xoáy và hạn hán đang trở nên thường xuyên hơn và mạnh hơn trong bối cảnh Trái đất đang ấm lên. Trong năm nay, vùng biển phía Đông Australia đã liên tiếp hứng chịu lũ lụt. Vào tháng Ba, nước dâng lên đã buộc hàng chục nghìn người dân phải sơ tán và khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.

Việt Nam đương đầu với ngập lụt

Thực tế tại Việt Nam, nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng cũng đã gây ngập nặng ở nhiều tỉnh, thành phố.

Tại Hà Nội, để khắc phục tình trạng ngập nước, các đơn vị duy trì thoát nước đã bố trí 100% nhân lực phục vụ thoát nước mùa mưa bão, tổ chức ứng trực, vớt rác, mở ga thu nước vào hệ thống, đồng thời sử dụng bơm di động, mở cửa hồ…

Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thoát nước tổ chức ứng trực 24/24, sử dụng bơm hút di động để giảm úng ngập cục bộ. Sở tiếp tục thực hiện cải tạo, sửa chữa, nghiên cứu xây dựng bể chứa điều tiết ngầm tại các khu vực có địa hình trũng thấp, xa nguồn xả lũ.

Tại khu vực miền Trung, từ năm 2020 đến nay, các đô thị ven biển miền Trung từ thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đến Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cứ mưa là ngập.

Bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, nguyên nhân đáng nói dẫn đến các đợt ngập cục bộ ở nhiều thành phố Việt Nam là do con người tạo ra. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, không ít hồ ao, cánh đồng ở đô thị ven biển bị san lấp, phân lô bán nền. Hồ ao, cánh đồng không chỉ tạo ra không gian xanh trong lòng đô thị mà còn giữ vai trò như các “túi” đựng nước mỗi khi mưa lũ về, nay do bị san lấp hoặc thu hẹp cho nên bắt đầu xuất hiện ngập lụt.

Để giải quyết bài toán ngập lụt ở các khu đô thị tại miền Trung, chính quyền các địa phương đang rà soát, đánh giá khả năng thoát nước hiện tại, và đề xuất các giải pháp hợp lý, lâu dài, huy động nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch bao gồm việc mở rộng các hành lang thoát lũ, tăng cường hồ điều tiết để tăng khả năng chứa nước, tăng cường mảng xanh đô thị nhằm tăng hệ số thấm và tạo cảnh quan.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm giảm ngập lụt. Một số chương trình, dự án giảm ngập lụt gồm: Dự án cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh - lưu vực Tàu Hủ, Bến Nghé - Đôi - Tẻ (JBIC hỗ trợ), Dự án cải thiện môi trường thành phố - Tiểu dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng (ADB hỗ trợ), Dự án cải thiện và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Ngoài ra, còn một số dự án xây dựng công trình kiểm soát triều như Dự án kiểm soát triều Rạch Lăng - Bình Lợi - Bình Triệu, Cầu Bông, Dự án kiểm soát triều rạch Văn Thánh; Dự án giải pháp bơm di động…

(tổng hợp)

TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-no-luc-chong-ngap-201948.html