Thế giới tạm biệt 2023, đón năm mới 2024 với nhiều hi vọng
Tạm biệt năm cũ 2023, hàng triệu người dân tại khắp các quốc gia trên thế giới đã sống những giờ phút đầu tiên của năm 2024 trong an lành với những màn pháo hoa đẹp mắt, sôi động.
Theo Reuters, các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương đã trở thành những nơi bước sang năm mới 2024 đầu tiên trên thế giới do ở múi giờ xung quanh GMT +14 và GMT +13 tức lễ giao thừa của họ diễn ra khoảng 17h và 18h, giờ Hà Nội.
Hoạt động mừng năm mới ở Samoa bao gồm bắn pháo hoa, biểu diễn múa lửa và các điệu nhảy truyền thống. Sau đó ít giờ, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia lần lượt chào đón năm mới 2024.
Cầu cảng Sydney ở Australia rực sáng lúc 21h (18h giờ Hà Nội) với màn trình diễn pháo hoa Calling Country, chương trình nhằm tôn vinh những người dân tộc bản địa của Australia. Hơn một triệu người đã tập trung tại bờ biển cảng Sydney để đón năm mới. Đây là màn pháo hoa chào đón năm mới hoành tráng đầu tiên của thế giới chào đón 2024.
Nhiều người ở thành phố Sydney phải xếp hàng suốt ba ngày để giành được vị trí xem bắn pháo hoa đẹp nhất tại khu bến cảng nổi tiếng. Các con thuyền cũng neo đậu kín cầu cảng trước nhiều giờ để chờ đón khoảnh khắc giao thừa.
Ở Melbourne, người dân tổ chức các buổi dã ngoại bên bờ sông Yarra ngay từ giữa trưa. Hàng trăm nghìn người dự kiến tập trung tại khu trung tâm thành phố vào tối nay. Sẽ có một màn bắn pháo hoa kéo dài 8 phút vào nửa đêm, sau màn trình diễn ngắn hơn lúc 21h30.
Các thành phố trên khắp Trung Quốc cũng đang mở các điểm tham quan văn hóa và du lịch để đón năm mới 2024. Vườn Dự Viên nổi tiếng của Thượng Hải chào đón khách du lịch từ khắp đất nước trước thềm năm mới với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, khắc họa khung cảnh thịnh vượng được miêu tả trong các bài thơ cổ của Trung Quốc.
Kamchatka và một số vùng của nước Nga, quốc gia có diện tích rộng lớn nằm trải dài trên 11 múi giờ, cũng đã sớm đón năm mới 2024.
Trong khi đó, Anh dự kiến bắn hơn 2.000 quả pháo hoa từ vòng quay London Eye, thắp sáng bầu trời thủ đô London trong thời khắc giao thừa đón 2024. Theo Reuters, tháp Big Ben ở London sẽ đánh dấu kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên tiếng chuông chào đón năm mới được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới vào giao thừa.
Kể từ đêm giao thừa năm 1923, khi kỹ sư A.G. Dryland trèo lên mái nhà đối diện Quốc hội Anh để ghi lại khoảnh khắc tháp đồng hồ đánh chuông, việc truyền hình trực tiếp sự kiện này đã trở thành truyền thống hàng năm. Âm thanh đặc trưng của "chiếc đồng hồ quốc gia" từ lâu đã chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống người dân Anh.
Người dân Madrid, Tây Ban Nha đã tụ tập tại quảng trường Puerta del Sol vào ngày cuối năm để ăn mừng lễ Preuvas. Preuvas là màn diễn tập cho buổi lễ đánh 12 tiếng chuông đêm giao thừa tại tháp đồng hồ tại quảng trường. Theo thời gian, màn diễn tập này đã trở thành truyền thống, khiến Puerta del Sol chật kín người.
Hầu hết các nước châu Âu sẽ đón giao thừa muộn hơn Việt Nam vài giờ. Mỹ và các quốc gia trong khu vực châu Mỹ sẽ đón giao thừa vào trưa mai, giờ Hà Nội.