Thế giới Thế giới Dự đoán về tiến trình các nước đạt được tỷ lệ tiêm chủng do WHO đề ra
Các nhà nghiên cứu cho biết, Mỹ nằm trong số các quốc gia có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào giữ năm 2022, cùng với hàng loạt các quốc gia khác trên khắp châu Âu, châu Á và châu Phi.
Các nước vẫn đang nỗ lực triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân để chống dịch lây lan. Ảnh minh họa: ABC News/Người Lao động
Được biết, vào tháng 10/2021, WHO đã đặt mục tiêu đến giữa năm 2022, các quốc gia phải đạt yêu cầu tiêm chủng cho 70% dân số.
Dự báo của Our World In Data, được cập nhật lần cuối cùng vào ngày 4/1/2022, hơn 100 quốc gia đang không trên con đường đúng đắn để đạt được mục tiêu này.
Dự báo này được tổng hợp dựa trên dữ liệu chính thức, với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại của mỗi quốc gia được tính bằng trung bình số dân đã nhận đủ 2 mũi vaccine trong vòng 14 ngày qua. Sau đó, các nhà nghiên cứu giả định rằng tỷ lệ tiêm chủng này sẽ không đổi cho đến thời hạn cuối cùng của mục tiêu WHO là vào giữa năm 2022.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Bằng cách thêm tỷ lệ dự kiến này vào tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, chúng tôi dự đoán ngày 1/7 là ngày các nước có đủ lượng dân số đã tiêm chủng mà WHO yêu cầu. Tuy nhiên, đây là mức dự báo đã loại trừ các nước không báo cáo số liệu trong hơn 30 ngày”.
Bên cạnh đó, dự đoán của các nhà nghiên cứu đưa ra cũng không tính đến các biến số như xuất hiện tình trạng thiếu vaccine, những thay đổi trong tốc độ triển khai vaccine hoặc các chính sách mới của chính phủ.
Một số quốc gia được cho là sẽ không đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% vào giữa năm 2022 này là Estonia, Jamaica và Nigeria.
Ít hơn 50% các nước trên toàn cầu đã đạt đến ngưỡng 70% về tỷ lệ tiêm chủng, bao gồm Qatar, Bồ Đào Nha và Nhật Bản.
Saudi Arabia, Nga và Hongkong nằm trong số những nước chưa vượt qua ngưỡng 70%, nhưng được cho là đang trên đà đạt được mục tiêu mà WHO đề ra vào giữa năm 2022.
Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)