Thế khó cho doanh nghiệp nhỏ khi giá cả chậm hạ nhiệt

Mặc dù giá xăng đã giảm về mức 25.000 đồng/lít, nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để điều chỉnh giá bán hàng hóa dịch vụ thì cần có độ trễ để điều chỉnh, thậm chí sẽ chậm hạ nhiệt do giá nguyên vật liệu và nhiều loại chi phí đang neo giữ ở mức cao. Đây là thế khó cho họ khi giảm sức cạnh tranh, đầu ra gặp khó khăn.

Sau khi giá xăng giảm về mức 25.000 đồng/lít vào chiều 21/7, nhiều ý kiến từ người dân bày tỏ sự vui mừng nhưng cũng băn khoăn là giá hàng hóa dịch vụ có giảm giá theo xăng hay không? Giá xăng trở về thời điểm tháng 2/2022 nhưng giá cả có về lại thời điểm đó?

Và họ chờ biện pháp tiếp theo từ phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) để giá các mặt hàng có thể hạ nhiệt thuận chiều với giá xăng.

Chờ “độ trễ” để giảm giá

Cũng có không ít ý kiến cho rằng để giá cả hạ nhiệt ngay trong lúc này là rất khó mà sẽ vẫn tạm giữ nguyên giá cố định. Bởi trước đó, khi xăng tăng giá thì các mặt hàng khác cũng tăng lên theo cấp số cộng hoặc cấp số nhân và các DN chưa bù được lỗ vào những lần tăng giá xăng dầu trước đó.

Tuy vậy, xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình. Cho nên, khi giá xăng trở về mức giá ở thời điểm tháng 2/2022 chắc chắn sẽ tác động tích cực đến việc chi tiêu của người dân.

Người tiêu dùng mong giá thực phẩm đi xuống thuận chiều giảm của giá xăng, nhưng với các DN thì vẫn cần có “độ trễ” để điều chỉnh giá bán.

Người tiêu dùng mong giá thực phẩm đi xuống thuận chiều giảm của giá xăng, nhưng với các DN thì vẫn cần có “độ trễ” để điều chỉnh giá bán.

Bởi lẽ, trong rổ hàng hóa tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Cần lưu ý rằng đây chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn.

Khi giá xăng giảm mạnh, tỷ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ giảm đi, dẫn đến sẽ tăng thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng giảm cũng sẽ kéo theo việc giảm giá của những loại hàng hóa khác (dù phải có độ trễ), do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.

Trao đổi với VnBusiness, ông Ngô Xuân Nam, giám đốc một DN vừa và nhỏ trong mảng chế biến thực phẩm ở quận 11 (Tp.HCM), cho biết trước đó phía DN nhập nguyên liệu đầu vào với mức giá cao nên giá bán sản phẩm cũng phải ở mức cao tương ứng dù đầu ra hơi chật vật. Còn bây giờ xăng giảm giá giá mạnh, nếu DN lập tức giảm giá bán để thu hút người mua thì phải chấp nhận bù lỗ.

“Cho nên chúng tôi vẫn mong người tiêu dùng thấu cảm cho phía DN là vẫn cần có độ trễ để điều chỉnh giá bán sản phẩm. Bởi việc chậm hạ nhiệt giá cả hàng hóa không phải là điều mong muốn của DN”, ông Nam nói.

Vị giám đốc này chia sẻ thêm, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thị trường sản phẩm của DN bị thu hẹp bởi phân khúc khách hàng có một bộ phận đáng kể là công nhân, người lao động trong nhà máy, xí nghiệp. Thu nhập bị ảnh hưởng, nhiều khoản phải chi tiêu nên việc tiêu thụ hàng ở khu vực này bị ảnh hưởng lớn. Một khi giá xăng giảm mạnh như vậy, hy vọng phân khúc khách hàng của công ty khả quan hơn.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (một DN vừa và nhỏ chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều ở tỉnh Bình Phước), phía DN đã “thấm đòn” giá xăng dầu khoảng thời gian trước đó đã làm tăng 20 - 30% chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Cho nên, khi giá xăng giảm về mức ở tháng 2/2022 là điều mà DN rất mừng.

Vẫn còn nặng gánh chi phí

Ông Đạt cho rằng giá xăng sụt giảm vào lúc mà sức chịu đựng của DN có hạn, đã phải cố gắng cầm cự trong nhiều tháng qua. Do mặt hàng mà công ty sản xuất không phải là thực phẩm thiết yếu nên khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị cũng khó tăng giá bán.

“Bây giờ thì giá xăng đã hạ nhiệt, chỉ mong các loại chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển (đang chiếm 20 - 30% chi phí của DN) cũng sớm giảm theo để DN “dễ thở” hơn”, vị giám đốc của Vinahe chia sẻ.

Trên thực tế, ghi nhận ở các DN vừa và nhỏ trong ngành hàng thực phẩm thì thấy rằng việc giảm giá thực phẩm theo mức giảm của giá xăng dầu trong lúc này là điều không dễ dù sức mua thấp.

Đơn cử với những DN chế biến thịt gà thì giá đầu vào hiện tăng khoảng 30% và khả năng sẽ tăng kéo dài. Với các DN chế biến thịt lợn cũng vậy, nguồn cung thịt lợn lại đang tăng giá quá nhanh trong thời gian gần đây.

Hay như các DN trong ngành thủy hải sản cũng đang gặp vấn đề về giá cả. Theo đánh giá của chuyên gia Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), các DN đang gánh nhiều khoản chi phí tăng tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng.

Để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa kỳ (Florida), giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới Tp.HCM (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont.

Bên cạnh đó, với các DN nhỏ có nguồn vốn ít ỏi thì chi phí thuê nhà xưởng, chi phí mặt bằng cũng khiến họ…đau đầu. Một DN ngành hàng thủ công mỹ nghệ quy mô nhỏ cho hay đã tốn mỗi tháng 200 triệu đồng tiền mặt bằng nhà xưởng. Đây thực sự là một gánh nặng trong thời buổi nhiều khó khăn đổ dồn như hiện nay dù giá xăng có kéo giảm.

Giới chuyên gia lưu ý khi giá cả chậm hạ nhiệt theo giá xăng thì điều quan trọng trong lúc này là cần khả năng thích ứng và tính linh hoạt của DN. Đây có thể là lợi thế sống còn cho nhiều DN vừa và nhỏ trong môi trường đầy biến động. Một khi vận hành linh hoạt hơn, DN sẽ giải quyết các tình huống và ứng phó với những bất cập về giá cả hàng hóa dịch vụ trong bối cảnh hiện nay.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/the-kho-cho-doanh-nghiep-nho-khi-gia-ca-cham-ha-nhiet-1086841.html