Thế khó của HTX làm nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa tại nhiều HTX, tuy nhiên do vấn đề liên kết ngành hàng vẫn còn yếu nên chính thành viên HTX, nông dân gặp khó trong cả sản xuất và tìm kiếm đầu ra.

Ông Nguyễn Hữu Bê, Giám đốc HTX Sầu riêng 9B (Bà Rịa Vũng Tàu), cho biết việc chuyển sang trồng sầu riêng hữu cơ của các thành viên HTX gặp không ít khó khăn về kỹ thuật.

Nông nghiệp hữu cơ chưa đúng nghĩa

Trong khi đó, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến. Chẳng hạn như cách sử dụng phân bón hữu cơ vẫn chủ yếu do thành viên HTX tự tìm hiểu hoặc có cơ quan khuyến nông địa phương hỗ trợ nhưng cũng chưa nhiều, chưa đồng bộ theo quy trình.

Chia sẻ về vấn đề canh tác cây vú sữa hữu cơ, ông Nguyễn Văn Thiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (Sóc Trăng) cho biết, việc vận động người dân tham gia trồng vú sữa hữu cơ rất khó vì nếu theo quy định của ngành nông nghiệp, người dân rất khó làm. Đơn cử, người làm nông phải mua phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học ở đâu? Thậm chí mua được rồi thì có đủ cung ứng trong sản xuất lâu dài và trên quy mô lớn không?

Lo lắng của ông Thiên là hoàn toàn có cơ sở, bởi các quy định trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay chưa cụ thể và chưa sát với thực tiễn. Ngoài ra, theo Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), lượng phân bón nói chung trên cả nước khoảng 10 triệu tấn/năm, trong khi lượng phân bón hữu cơ Việt Nam đang cung cấp và sử dụng chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 25%. Điều này phần nào phản ánh khó khăn trong tìm kiếm vật tư đầu vào để phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các HTX.

Việc sản xuất hữu cơ của nhiều HTX còn khó khăn vì chi phí lớn, đầu ra chưa thuận lợi, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng.

Việc sản xuất hữu cơ của nhiều HTX còn khó khăn vì chi phí lớn, đầu ra chưa thuận lợi, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng.

Theo các HTX, tuy mỗi năm Việt Nam có khoảng 157 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và các HTX cũng đã tận dụng để sản xuất phân hữu cơ nhưng số lượng phân tự sản xuất vẫn còn khiêm tốn nên vẫn phải mua thêm. Nếu các loại phân bảo đảm các tiêu chuẩn hữu cơ nước ngoài thì chi phí cũng rất cao. HTX nào không có tiềm lực kinh tế rất khó đi theo hướng hữu cơ lâu dài.

Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được coi là sản phẩm có tiêu chuẩn cao nên giá thành sản xuất cao, từ đó phần nào kén người dùng. Sản phẩm hữu cơ của HTX làm ra phải đảm bảo có doanh nghiệp bao tiêu thì mới bảo đảm thu nhập cho thành viên. Còn nếu ngược lại thì việc lời, hay lỗ của HTX sẽ phụ thuộc vào may rủi. Đây cũng là lý do mà nhiều HTX khó thu hút thành viên mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ.

Chính vì những khó khăn trên, nhiều HTX hiện nay dù rất muốn nhưng chưa thể canh tác nông nghiệp hữu cơ theo đúng nghĩa, đúng quy định hoặc nhầm lẫn giữa sản xuất an toàn với sản xuất hữu cơ. Cũng có HTX mất nhiều năm chuyển đổi từ sản xuất an toàn lên sản xuất hữu cơ nhưng cũng chưa thành công.

Phải có sự liên kết

Từ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, có thể thấy tuy đang gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất hữu cơ đang là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc các HTX canh tác hữu cơ được coi là một hướng đi dài hạn và giàu tiềm năng.

Theo các chuyên gia, nhiều khó khăn trong sản xuất đang khiến các HTX không mở rộng được vùng nguyên liệu hữu cơ. Điều này dẫn đến tình trạng khó thu hút doanh nghiệp bao tiêu chế biến. Đối với những HTX có tiềm lực về sơ chế, chế biến nông sản hữu cơ, phải đứng ra thu mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị ở các vùng miền khác nhau khiến gia tăng chi phí, không bảo đảm sự đồng nhất cho sản phẩm.

Do đó, các chuyên gia cho rằng muốn HTX và nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ cần phải có doanh nghiệp cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm rõ ràng để bảo đảm cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải ít nhất từ 3 năm mới cho hiệu quả bước đầu và đòi hỏi nguồn đầu tư không nhỏ. Trong khi ý thức người dân về sản phẩm hữu cơ chưa thực sự cao nên khi không có đầu ra thì nông sản hữu cơ cũng mất giá trị, thành viên HTX thua thiệt.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng cho rằng, trong điều kiện thị trường hiện nay, HTX cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ (theo tiêu chuẩn nước ngoài). Theo đó, cần phải có hợp đồng tiêu thụ để bảo đảm sản xuất được chắc chắn. Nếu chưa thể liên kết chặt chẽ, HTX có thể tập trung sản xuất an toàn để bảo đảm đầu ra và tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sản xuất lên hữu cơ sau này.

Một điều đáng lưu ý hiện nay là dù nông nghiệp là ngành chủ lực nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về sản xuất hữu cơ và chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ sản xuất hữu cơ. Các chính sách cho nông nghiệp hữu cơ hiện nay chỉ chung chung, lồng ghép trong các đề án, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản...

Chính vì vậy, ngoài hoàn thiện các quy định về kỹ thuật, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chính sách một cách rõ ràng, khả thi để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi. Đi liền với đó là cần có quy hoạch cụ thể về đất đai, nguồn nước… để các HTX có kế hoạch cụ thể trong sản xuất kinh doanh.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/the-kho-cua-htx-lam-nong-nghiep-huu-co-1091505.html