Thế khó của Trung Quốc giữa căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Trong khi Ấn Độ và Pakistan leo thang quân sự, Trung Quốc đối mặt bài toán ngoại giao nan giải: bảo vệ đồng minh truyền thống hay giữ vai trò trung gian hòa giải để bảo toàn lợi ích chiến lược?

Lực lượng an ninh Ấn Độ gác tại điểm kiểm soát ở Amritsar, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Lực lượng an ninh Ấn Độ gác tại điểm kiểm soát ở Amritsar, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Vụ thảm sát kinh hoàng ngày 22/4 tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam thuộc Kashmir do Ấn Độ quản lý, cướp đi sinh mạng của hàng chục du khách, đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng vốn âm ỉ giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á - Ấn Độ và Pakistan. Bình luận với tạp chí Diplomat, Muhammad Murad, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Bonn (Đức) cho rằng, những cuộc tấn công trả đũa xuyên biên giới liên tiếp trong tuần này đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc, quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với cả Ấn Độ và Pakistan, đang phải đối mặt với một bài toán cân bằng lợi ích đầy thách thức.

Ngay sau vụ tấn công đẫm máu, Bắc Kinh đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi cả New Delhi và Islamabad kiềm chế tối đa, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, và cùng nhau nỗ lực duy trì sự ổn định của khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc Ấn Độ và Pakistan chung sống hòa bình đối với an ninh khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 10/5 tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh, ủng hộ các nỗ lực hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời bày tỏ sự "sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng" trong tiến trình này, theo thông tin từ Tân Hoa Xã. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan Ishaq Dar, ông Vương Nghị cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về bất kỳ sự leo thang nào của xung đột, đặc biệt khi Trung Quốc có chung đường biên giới với cả hai quốc gia.

Sự ủng hộ truyền thống và những thay đổi trong quan hệ

Trong lịch sử, Trung Quốc luôn duy trì mối quan hệ "bạn bè trong mọi hoàn cảnh" với Pakistan. Tuy nhiên, theo chuyên gia Murad, những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh trong việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ có thể sẽ hạn chế phản ứng của họ trong việc hỗ trợ Pakistan một cách trực tiếp, và chắc chắn sẽ không đi đến việc can thiệp quân sự. Giới phân tích dự đoán rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Pakistan có khả năng sẽ tập trung vào viện trợ tài chính, hợp tác chiến lược và hỗ trợ ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế.

Tiền lệ từ cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 cũng cho thấy sự thận trọng của Trung Quốc trong việc can dự quân sự trực tiếp. Mặc dù Pakistan đã kỳ vọng vào sự can thiệp của Trung Quốc để tránh khỏi những tổn thất nặng nề, nhưng thực tế, không có bất kỳ sự can thiệp quân sự đáng kể nào từ phía Trung Quốc dọc biên giới Trung - Ấn. Trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn quan hệ sau những dịu bớt căng thẳng biên giới vào cuối năm 2024, Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải một cách cẩn trọng, tránh mọi hành động có thể bị coi là ủng hộ quân sự trực tiếp cho Pakistan.

Mặc dù không can dự quân sự, Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ ngoại giao đối với Pakistan sau vụ tấn công ở Pahalgam. Truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng Islamabad, với sự hỗ trợ từ Bắc Kinh, đã cố gắng làm suy yếu tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến vụ tấn công. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã khẳng định với người đồng cấp Pakistan Ishaq Dar rằng Trung Quốc luôn ủng hộ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố và thấu hiểu những lo ngại an ninh chính đáng của nước này. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc điều tra công bằng về vụ tấn công ở Pahalgam, nhấn mạnh rằng xung đột không mang lại lợi ích cơ bản cho cả Ấn Độ lẫn Pakistan và không đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực.

Sau khi Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích xuyên biên giới vào ngày 7/5, tuyên bố nhắm vào các "cơ sở hạ tầng khủng bố", Trung Quốc đã bày tỏ sự "quan ngại về tình hình đang diễn ra" và kêu gọi cả hai bên kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm gọi "hoạt động quân sự của Ấn Độ" là "đáng tiếc", đồng thời nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với mọi hình thức khủng bố. Ông cũng khẳng định sự sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò xây dựng trong việc giảm leo thang căng thẳng.

Đến ngày 10/5, một tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi Ấn Độ và Pakistan đồng ý ngừng mọi hành động quân sự trên bộ, trên không và trên biển, có hiệu lực ngay lập tức. Quyết định này được đưa ra sau 4 ngày giao tranh ác liệt bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa xuyên biên giới, đẩy hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện.

Theo tờ Nhật báo Ấn Độ (indiatoday.in) ngày 11/5, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận giảm leo thang này, thể hiện một hành động cân bằng ngoại giao tinh tế khi bày tỏ sự ủng hộ tương đương cho cả hai bên.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan Ishaq Dar, đã tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Pakistan trong việc bảo vệ "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập quốc gia". Đồng thời, trong cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ (NSA) Ajit Doval, ông Vương Nghị đã lên án vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam và tái khẳng định lập trường phản đối mọi hình thức khủng bố của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố hy vọng cả hai bên sẽ giữ bình tĩnh, kiềm chế, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, tránh mọi hành động leo thang hơn nữa.

"Trung Quốc ủng hộ và mong muốn Ấn Độ và Pakistan đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài thông qua đàm phán, phù hợp với lợi ích cơ bản của cả hai nước và nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Mặc dù có những báo cáo cho rằng thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ nỗ lực ngoại giao của nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ và Saudi Arabia, nhưng New Delhi vẫn khẳng định rằng thỏa thuận này là kết quả của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, sau thông báo ngừng bắn, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Trung Quốc - đồng minh thân cận và đối tác quốc phòng lớn nhất của Pakistan - vì sự ủng hộ liên tục của nước này. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn là kết quả của các cuộc đàm phán do Washington làm trung gian, chính phủ Ấn Độ khẳng định chắc chắn rằng đây là kết quả của sự tham gia trực tiếp song phương.

Thế khó chiến lược của Trung Quốc

Bắc Kinh không mong muốn một sự leo thang quân sự lớn trong khu vực lân cận vì cả lý do an ninh và kinh tế. Với cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ, Trung Quốc không muốn gây tổn hại đến quan hệ kinh tế với Ấn Độ, khi thương mại song phương giữa hai nước đã vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2021.

Việc ủng hộ trực tiếp Pakistan có thể khiến Trung Quốc mất đi một thị trường tiềm năng và rộng lớn như Ấn Độ. Thêm vào đó, những căng thẳng gia tăng trên các mặt trận hàng hải của Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến Bắc Kinh phải hành động thận trọng. Do đó, vai trò mà Trung Quốc muốn hướng tới là trung gian hòa giải, dù điều này có thể không hoàn toàn được New Delhi chấp nhận do mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Trung Quốc và Pakistan.

Trong bối cảnh Mỹ cũng có những động thái phức tạp trong việc tiếp cận cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc càng phải thận trọng hơn trong việc điều hướng một vai trò cân bằng. Sự ủng hộ tiềm năng của Mỹ đối với Ấn Độ có thể buộc Trung Quốc phải can thiệp mạnh mẽ hơn để bảo vệ lợi ích của đồng minh Pakistan, tạo ra một tình thế đối đầu phức tạp và nguy hiểm trong khu vực.

Chuyên gia Murad kết luận, Trung Quốc đang đứng trước một thế khó ngoại giao và chiến lược trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan. Vừa muốn duy trì mối quan hệ đồng minh truyền thống với Pakistan, vừa không muốn gây tổn hại đến quan hệ kinh tế và sự ổn định khu vực, Bắc Kinh buộc phải lựa chọn một đường lối ngoại giao thận trọng, kêu gọi hòa bình và ổn định, đồng thời tránh mọi hành động có thể bị coi là can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột. Vai trò trung gian hòa giải mà Trung Quốc hướng tới có thể sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng đó có lẽ là lựa chọn tối ưu để Bắc Kinh bảo vệ lợi ích của mình trong một khu vực đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn nghiêm trọng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/the-kho-cua-trung-quoc-giua-cang-thang-an-do-pakistan-20250511110839539.htm