Thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC

Khi các Bộ trưởng của OPEC+ họp vào cuối tuần này, họ sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu đến tận năm 2025, hoặc chấp nhận nguy cơ giá dầu lại giảm mạnh.

Hình minh họa

Hình minh họa

Với nhu cầu dầu tại Trung Quốc đang chững lại và nguồn cung từ các nước châu Mỹ tăng cao, các đại biểu cho biết nhóm do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu đang cân nhắc việc trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng – có thể kéo dài thêm vài tháng.

Tuy nhiên, nếu OPEC+ muốn ngăn chặn tình trạng dư cung, họ có thể cần phải làm nhiều hơn thế. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tình trạng dư thừa sẽ xuất hiện vào năm sau ngay cả khi nhóm này hủy hoàn toàn kế hoạch tăng nguồn cung. Các tổ chức như Citigroup Inc. và JPMorgan Chase & Co. cảnh báo rằng giá dầu hiện tại, từ mức 73 USD/thùng, có nguy cơ giảm về 60 USD hoặc thấp hơn nếu OPEC+ mở lại vòi dầu.

Một đợt giảm giá nữa sẽ gây thiệt hại tài chính cho Ả Rập Xê Út, quốc gia đã buộc phải cắt giảm chi tiêu cho các kế hoạch chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng. Đó là chưa kể thị trường dầu mỏ sắp phải đối mặt với sự trở lại của Tổng thống Donald Trump, người cam kết tăng cường khai thác dầu thô của Mỹ và đe dọa áp thuế trừng phạt đối với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng không còn chỗ cho họ tăng sản lượng, và thị trường sẽ nhắc nhở họ khi cần thiết”, ông Torbjörn Törnqvist, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Gunvor Group, phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng ở London hôm thứ Ba 26/11.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã gặp Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani tại Baghdad. Họ thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì cân bằng thị trường và thực hiện đúng các cam kết cắt giảm sản lượng, theo tuyên bố từ các quốc gia này. Cả liên minh 23 quốc gia sẽ họp trực tuyến vào Chủ nhật tuần này.

Khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác của mình họp gần 6 tháng trước, tình hình hoàn toàn khác. Khi đó, họ tự tin rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tiếp tục bùng nổ sau đại dịch Covid-19, nhóm này đã đưa ra lộ trình khôi phục sản lượng bị ngừng từ năm 2022, với kế hoạch bổ sung 2,2 triệu thùng/ngày theo từng đợt hàng tháng từ tháng 10.

Nhưng sau đó, tình hình đã thay đổi.

Giá dầu Brent tương lai đã giảm khoảng 17% kể từ đầu tháng 7 – bất chấp xung đột ở Trung Đông bùng nổ – trong khi nhu cầu tại Trung Quốc giảm liên tục trong 6 tháng khi nước này phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế. Theo IEA, tiêu thụ dầu của Trung Quốc – lực đẩy của thị trường dầu suốt hai thập kỷ qua – có thể đã đạt đỉnh.

Năm tới, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày – chưa bằng một nửa mức tăng của năm 2023 – do xu hướng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện ngày càng mạnh mẽ, theo dự báo của cơ quan tại Paris.

Nguồn cung từ Mỹ, Brazil, Canada và Guyana dự kiến sẽ vượt nhu cầu, tạo ra dư thừa hơn 1 triệu thùng/ngày, IEA cho biết.

“Thị trường dầu dường như đang hướng đến một dư cung lớn vào năm 2025”, nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley nhận định.

Dự báo đầy khó khăn của OPEC+ diễn ra trước khi thị trường dầu phải hứng chịu ảnh hưởng từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, người đã hứa sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ với khẩu hiệu “khai thác mạnh tay” và cảnh báo về các mức thuế thương mại khắc nghiệt đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.

Iran và Trung Quốc

Tuy nhiên, các dự báo thường không chính xác, và nếu thị trường dầu đi ngược lại các dự báo tiêu cực, điều này sẽ giúp công việc của OPEC+ trở nên dễ dàng hơn.

Nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục vượt kỳ vọng và dường như sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 đến 10 năm tới, Giám đốc điều hành BP, ông Murray Auchincloss, cho biết tại một hội nghị ở London hôm thứ Hai tuần này.

Giá dầu hiện tại đang “cố gắng phản ánh một tình trạng dư cung trong tương lai, nhưng tình trạng này vẫn chưa xảy ra”, ông Jeff Currie, Giám đốc chiến lược về năng lượng tại Carlyle Group, nhận định. Sự sụt giảm giá dầu đã làm giảm triển vọng tăng trưởng nguồn cung, giảm khả năng xuất hiện dư cung.

“Hầu hết các thị trường giảm giá đều do nhu cầu suy yếu, nhưng với việc Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế, khả năng xảy ra cú sốc nhu cầu bất ngờ là rất hạn chế”, ông Currie nói.

Ngoài ra, cũng có khả năng ông Trump khởi động lại chiến dịch “áp lực tối đa” từng được sử dụng để bóp nghẹt xuất khẩu dầu thô của Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

“Nếu ông Trump thực sự áp dụng biện pháp mạnh tay và cắt giảm từ 1 triệu đến 1,2 triệu thùng dầu xuất khẩu của Iran, điều đó sẽ giúp loại bỏ tình trạng dư cung vào năm sau”, ông Bob McNally, người sáng lập Rapidan Energy Group và là cựu quan chức Nhà Trắng, cho biết. “Điều này sẽ giúp OPEC+ dễ dàng đưa lượng dầu đó trở lại thị trường”, ông bổ sung.

Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp mạnh tay đối với Tehran, các quốc gia OPEC+ có thể cần tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng. Điều này sẽ là thách thức đối với một số thành viên — đặc biệt là Iraq, Nga, Kazakhstan và UAE, những nước đã gặp khó khăn trong việc thực hiện các cam kết cắt giảm sản lượng từ đầu năm nay.

UAE được phép tăng dần thêm 300.000 thùng/ngày nhờ những cải thiện gần đây trong năng lực khai thác. Tuy nhiên, Kazakhstan không nhận được sự ưu ái này, và việc mở rộng đáng kể mỏ dầu Tengiz có thể khiến nước này gặp khó khăn hơn trong việc tuân thủ thỏa thuận OPEC+ vào năm sau.

Càng kéo dài tình trạng dư cung, khả năng các thành viên OPEC+ mệt mỏi với các hạn ngạch và quay trở lại theo đuổi thị phần riêng, giống như những lần “điều chỉnh chính sách” vào năm 2014 và năm 2020, bà Natasha Kaneva, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại JPMorgan, cho biết.

“Việc gia tăng sản lượng dầu có thể trở thành một ưu tiên của một số thành viên OPEC vào năm 2026 khi rủi ro về một đợt tái điều chỉnh thị trường khác tăng cao”, bà nói thêm.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/the-tien-thoai-luong-nan-cua-opec-721253.html