Thêm 10 tuyến cáp quang biển mới đến năm 2030

Với 5 tuyến cáp quang biển hiện có, từ nay đến năm 2030, sẽ đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang trên biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam lên 15 tuyến, với dung lượng tối thiểu 350 Tbps…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.

Theo đó, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số, phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (digital hub).

Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam là 15 tuyến, dung lượng khoảng 350 Tbps. Trong đó, ít nhất 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ, kết nối trực tiếp tới các digital hub trong khu vực.

Trước mắt, đến năm 2027, đưa vào hoạt động thêm 4 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng đạt tối thiểu 134 Tbps; tiếp tục duy trì tối thiểu Singapore, HongKong (Trung Quốc), Nhật Bản là digital hub kết nối chính.

Từ năm 2028 đến 2030, đưa vào hoạt động thêm 6 tuyến cáp quang biển mới nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt 350 Tbps; duy trì kết nối tối đa 90% dung lượng cáp quang trên biển tới 4 digital hub lớn lân cận trong khu vực châu Á; duy trì kết nối dự phòng 10% dung lượng cáp quang trên biển tới 2 digital hub lớn tại các khu vực châu Mỹ, châu Âu.

Hệ thống cáp quang trên biển của Việt Nam được phân bổ hài hòa theo tất cả các hướng khả thi về mặt kỹ thuật. Triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, bảo đảm tổng dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền đạt 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp quang trên biển.

Về tầm nhìn đến 2035, chiến lược nêu rõ, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, trở thành lợi thế thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tới siêu lớn.

Kết nối đa dạng, an toàn, bền vững, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng truyền dẫn dữ liệu của khu vực và quốc tế, tạo ưu thế và động lực đưa một số đô thị trở thành digital hub, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/them-10-tuyen-cap-quang-bien-moi-den-nam-2030-669682.html