Thêm 'bí mật' được giới làm cát vạch trần

Được cấp phép khai thác để lấy nguồn cát cung cấp cho 4 công trình trọng điểm, nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu) đã giao khoán quyền khai thác cho các chủ cần khác để hưởng lợi số tiền lớn. Từ đây, các doanh nghiệp đã bán nguồn cát ra ngoài địa bàn. Việc làm ăn gian dối này đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bóc gỡ và bước đầu có 18 bị can bị khởi tố.

Mới đây, chúng tôi đến mỏ cát nằm trên sông Tiền (xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được cấp phép cho Công ty Trung Hậu. Theo ghi nhận, một số xáng cáp đã ngưng hoạt động, nhiều sà lan chở đầy cát đang neo đậu giữa sông. Ông T. (ngụ xã Bình Phước Xuân) cho biết, tại khu vực mỏ cát bị bắt giữ thường có khoảng 15 xáng cạp khai thác, trong khi đoạn sông chưa đến 2 cây số. Mỗi ngày có hàng chục sà lan đến mua cát chở khắp các tỉnh tiêu thụ.

Từng làm việc tại mỏ cát này, một chủ doanh nghiệp chia sẻ: Sau khi có giấy phép khai thác cát, ông Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu) giao khoán cho nhiều doanh nghiệp khác để họ đưa cần vào khai thác. Mỗi tháng các chủ cần nộp cho ông Bình với số tiền rất lớn. "Số cát khai thác từ mỏ này, các doanh nghiệp trung gian sẽ bán ra ngoài để hưởng chênh lệch. Không chỉ các doanh nghiệp được giao khoán mà xáng cạp của công ty ông Bình cũng bán cát ra ngoài. Vì vậy, những xáng cạp phải múc thật sâu dẫn đến vượt trữ lượng cho phép.

Những doanh nghiệp mua cần của Công ty Trung Hậu thường ký hợp đồng dưới hình thức cạp gia công, làm thuê, góp vốn. Cát khai thác từ mỏ bán ra ngoài dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/m3, trong khi cung cấp cho công trình trọng điểm chưa tới 80.000 đồng. Theo tiết lộ, các sà lan đến mỏ của Công ty Trung Hậu phải che biển số để đối phó cơ quan chức năng và người dân. Sau khi tuồn được cát ra ngoài, các doanh nghiệp mua cần chỉ thu tiền mặt và có nguồn riêng để mua hóa đơn hợp thức hóa.

Số sà lan của doanh nghiệp bị bắt giữ

Số sà lan của doanh nghiệp bị bắt giữ

Hàng chục năm làm nghề cát và từng tham gia đấu giá nhiều mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang, ông T. đã chia sẻ về thủ đoạn của chủ mỏ cát vừa bị bắt giữ: "Theo quy định thì doanh nghiệp được cấp quyền khai thác được phê duyệt nhiều xáng cạp nhưng chỉ một nửa được khai thác, số còn lại là dự phòng. Khi nào cần đang khai thác bị hư hỏng thì họ mới được đưa cần dự phòng vào khai thác. Trường hợp ở đây là họ đưa hết các cần được phê duyệt vào khai thác".

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Lê Quang Bình lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp để khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Kể từ khi vụ án khai thác cát tại Công ty Trung Hậu bị bóc gỡ và UBND tỉnh An Giang thu hồi 6 mỏ cát theo kết luận Thanh tra Chính phủ, các doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn bất minh co cụm, cát thương mại "đứt" nguồn cung. Từ đây, nhiều doanh nghiệp, trạm trộm bê-tông ráo riết "săn lùng" nguồn cát từ Campuchia.

Cần hàng triệu m3 cát loại vừa để phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn nhưng do An Giang "đứt" nguồn cung, một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên hệ nhiều mối quen để tìm nguồn cát Campuchia. Chào giá cho doanh nghiệp trên, chị L. (ngụ TP.Long Xuyên) cho biết: "Nguồn cát tại Campuchia loại vừa hiện có giá từ 330 - 365.000 đồng/m3, nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng".

Là một doanh nghiệp từng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đóng sà lan, mua xáng cạp để sang Campuchia thai thác cát chở về Việt Nam bán, ông H. (ngụ huyện An Phú) than thở: "Bỏ ra số tiền rất lớn nhưng khi về Việt Nam đụng với nguồn cát không rõ nguồn gốc nên doanh nghiệp không trụ nổi, đành ngưng hoạt động. Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với tôi để mua cát, với giá rất hấp dẫn nên công ty chuẩn bị hoạt động trở lại".

Các xáng cạp tại mỏ cát sông Tiền được cấp phép cho Công ty Trung Hậu

Các xáng cạp tại mỏ cát sông Tiền được cấp phép cho Công ty Trung Hậu

Một số doanh nghiệp thông tin, hiện giá cát tại cát mỏ thương mại cũng bắt đầu "nhảy múa" nhưng nguồn cung rất hạn chế. Theo ông H. (chủ một doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Vĩnh Long): "Nhiều ngày nay, sà lan phải ngưng hoạt động vì không có nơi để lấy cát. Hiện cát san lấp hay cát xây dựng cũng khan hiếm và tăng giá tăng liên tục. Trước đây, sà lan cát về cặp bến, chưa tính tiền bốc dỡ, tập kết bến bãi là 200.000 đồng/m3. Nay giá cặp bến đã 270.000 đồng/m3, trong khi chúng tôi trúng thầu công trình là giá cố định".

Trước đó, ngày 18/7, ông Hồ Thanh Phương (Giám đốc Sở TN-MT Đồng Tháp) cho biết, cơ quan này vừa phối hợp Công ty đấu giá hợp danh Miền Tây tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu, với tổng số tiền gần 194 tỷ đồng. Mỏ cát trên sông Tiền (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) có trữ lượng dự báo 475.410m3, thuộc loại khoáng sản cát san lấp, giá khởi điểm hơn 4,8 tỷ đồng.

Qua thông báo mời thầu, tổ chức thẩm định hồ sơ có 10 công ty tại Đồng Tháp và các tỉnh An Giang, Long An, Vĩnh Long, TP.Đà Nẵng đủ điều kiện tham gia đấu giá. Mỏ cát trên sông Hậu (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) có trữ lượng dự báo hơn 1,7 triệu m3, thuộc loại khoáng sản cát san lấp, giá khởi điểm hơn 17,4 tỷ đồng. Qua thông báo mời thầu, có 8 công ty ở Đồng Tháp và nhiều tỉnh thành đủ điều kiện được chọn tham gia đấu giá.

Kết quả, đối với mỏ cát trên sông Tiền, qua 37 vòng trả giá, Công ty TNHH MTV Trường An Thoại Sơn (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền 56,36 tỷ đồng. Đối với mỏ cát trên sông Hậu, qua 15 vòng trả giá, Công ty TNHH Đông Thành Lấp Vò Đồng Tháp (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền hơn 137,46 tỷ đồng. Sở TN-MT Đồng Tháp đã thông báo kết quả đấu giá 2 mỏ cát, đồng thời có tờ trình UBND tỉnh để ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 2 mỏ cát trên. Theo tờ trình, toàn bộ khối lượng khai thác của 2 mỏ cát trúng đấu giá chỉ được cung cấp cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và giá bán cát do UBND tỉnh này quy định.

Lý do mỏ cát được đấu giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn có lời, ông T. (chủ doanh nghiệp có thâm niên gần 30 năm làm nghề khai thác cát) "bật mí”: Về chuyên môn là tính trữ lượng nguyên khối, cụ thể là ngang bao nhiêu, dài bao nhiêu và sâu bao nhiêu sẽ ra tổng khối lượng cát thu được. Nhưng thực tế cát múc lên "nguyên khối sẽ lớn hơn nguyên khang", tức là Nhà nước tính khối chặt, nhưng khi cạp lên là khối tơi, trữ lượng lớn hơn rất nhiều, lời ở chỗ đó. Từ đây, doanh nghiệp mới có cát bán ra ngoài, phục vụ cho công trình dân sinh.

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/them-bi-mat-duoc-gioi-lam-cat-vach-tran_151629.html