Thêm cơ hội cho nhà đầu tư ngoại
Mức trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngân hàng được nâng lên 49%, trong khi một số ngân hàng khác đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng Việt.

Sau khi chia tay cổ đông CBA, tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại VIB chỉ chưa đầy 5% và là một trong những ngân hàng hở room nhiều nhất
HDBank, MB và VPBank được nới room lên 49%
Theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và được thực hiện trong thời hạn của phương án này. Như vậy, mức trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MB, HDBank, VPBank sẽ được nới lên 49% kể từ ngày 19/5/2025.
Trước đó, vào tháng 1/2025, Ngân hàng Nhà nước đã công bố việc chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank, DongABank cho HDBank, OceanBank cho MB.
Không chỉ tác động đến một số ngân hàng riêng lẻ, Nghị định 69/2025/NĐ-CP được xem là bước thử nghiệm thận trọng cho việc nới room ngoại trong ngành ngân hàng. Việc giới hạn thí điểm ở một nhóm ngân hàng cụ thể giúp Chính phủ đánh giá thực tiễn tác động của dòng vốn ngoại đối với năng lực tài chính, quản trị và ổn định hệ thống ngân hàng.
VIS Rating nhận định, việc nâng trần sở hữu nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thu hút đầu tư chiến lược, hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ. Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản trên 25%/năm, nhu cầu bổ sung vốn là rất cấp thiết. Ước tính, nếu không tăng vốn cổ phần, hoặc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của HDBank, MB và VPBank có thể giảm từ 150 - 300 điểm cơ bản vào cuối năm 2026.
Còn theo phân tích của ACBS, nghị định mới tạo điều kiện để các ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài trong trường hợp có nhu cầu tăng vốn để “bơm” cho các ngân hàng yếu kém, qua đó, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Với HDBank, dù tỷ lệ CAR đang khá cao (khoảng 14%) nhưng lại phụ thuộc vào trái phiếu cấp 2, nên nhu cầu tăng vốn cấp 1 để giảm chi phí vốn trong dài hạn là hiện hữu. VPBank cũng có CAR ở mức tương đương (xấp xỉ 14%) nhưng sử dụng nhiều trái phiếu vốn cấp 2 nên nhu cầu tăng vốn chưa cấp thiết.
Trong số ba ngân hàng, HDBank được các chuyên gia phân tích ACBS đánh giá là ngân hàng có khả năng nới room ngoại sớm nhất, bởi hiện nhà băng này chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, trong khi nhu cầu tăng vốn cấp 1 đang gia tăng. Room ngoại theo điều lệ của HDBank chỉ là 0,65%, trong khi room tối đa theo Luật còn dư 13,15%.
Trong khi đó, MB có kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào Ngân hàng MBV (tên cũ là Oceanbank) trong giai đoạn tái cơ cấu nhà băng này. Các ngân hàng khác nhiều khả năng sẽ có các kế hoạch tương tự, bởi đây là một phần trong đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Việc tăng vốn giúp củng cố CAR, trong bối cảnh các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng rất cao, từ 20 - 30%/năm.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tổng cộng hơn 1,4 tỷ cổ phiếu MBB, tương đương 23,24%.
Rộng cửa cho đối tác ngoại
Đáng chú ý, MB cho biết, Ngân hàng có thể bán 100% vốn tại ngân hàng nhận chuyển giao (MBV) cho nhà đầu tư nước ngoài. Hội đồng quản trị MB đã đề nghị cổ đông giao cho Hội đồng quản trị nghiên cứu, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, quyết định các nội dung cụ thể, triển khai chuyển đổi hình thức pháp lý của MBV và các phương án góp vốn, tăng vốn, xử lý phần vốn góp, cổ phần vào thời điểm theo phương án chuyển giao bắt buộc (được phê duyệt và sửa đổi/bổ sung), thực tế triển khai và quy định pháp luật từng thời kỳ. Sau khi nhận chuyển giao, hình thức pháp lý cũng đổi từ công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (nắm giữ 100% vốn điều lệ) sang Công ty TNHH một thành viên do MB làm chủ sở hữu. MB dự kiến góp vốn điều lệ vào MBV với mức không quá 5.000 tỷ đồng.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết, thời gian qua, Ngân hàng được khá nhiều quỹ đầu tư quan tâm. Những nhà đầu tư này có yêu cầu tương đối cao về minh bạch thông tin, MB cũng có trách nhiệm cao hơn trong hoạt động này.
Hiện MB chưa có đối tác chiến lược nước ngoài. Lãnh đạo MB từng cho biết, trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, MB đặt ra một số mục tiêu: nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ, bí quyết phát triển kinh doanh và quản trị ngân hàng tiên tiến, đặc biệt là những lĩnh vực mà MB chưa mạnh; tận dụng kinh nghiệm, hiểu biết mạng lưới, cơ sở khách hàng của đối tác để phát triển các thị trường mới; ổn định cổ đông, đảm bảo tính đồng thuận và nhất quán trong phát triển kinh doanh, triển khai chiến lược. Để đáp ứng các mục tiêu trên, MB đã đặt ra các tiêu chí như dành ưu tiên cho các đối tác có năng lực tài chính tốt, đồng thuận về mục tiêu và triển khai chiến lược phù hợp với văn hóa và có cam kết cao với MB, tránh các xung đột về quyền lợi, đảm bảo sự hợp tác chiến lược lâu dài cùng phát triển.
Với HDBank, ACBS cho rằng, việc mở room lên 49% sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để thu hút cổ đông chiến lược.
Không chỉ với các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, một số nhà băng mới “chia tay” cổ đông chiến lược nước ngoài và nhiều nhà băng khác cũng đang có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, hiện room ngoại tại VIB trống 25% sau khi chia tay cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) trong quý I/2025. Hiện VIB đang trong quá trình tìm hiểu các đối tác nước ngoài để có thể chọn được nhà đầu tư đem lại được hiệu quả cho Ngân hàng, cũng như mang lại lợi ích tốt cho cổ đông. Sau khi hoàn thành, Hội đồng quản trị sẽ trình xin ý kiến cổ đông.
CBA bắt đầu rót vốn vào VIB từ năm 2010, với tỷ lệ góp ban đầu là 15% và nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% một năm sau đó. Cổ đông chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển đổi chiến lược của VIB từ ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp.
Theo cập nhật mới nhất của VIB về cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần của Ngân hàng đến ngày 17/3/2025, Pyn Elite Fund đang sở hữu hơn 57,65 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ 1,94%. Còn theo VSD, đến ngày 20/3/2025, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại VIB là 4,99%. Đây cũng là một trong những nhà băng còn nhiều hở room ngoại nhiều nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tại SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho hay, Ngân hàng đã làm việc với một số đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, như ông nhiều lần chia sẻ, “SHB như một cô gái xinh đẹp, tài năng, không phải chàng trai nào muốn đến cũng đến được”.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận xét, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết cho các ngân hàng Việt Nam trong việc gọi thêm vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/them-co-hoi-cho-nha-dau-tu-ngoai-post372485.html