Thêm cơ hội sắp xếp lại không gian phát triển của Việt Nam

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Đức Tâm thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Đức Tâm đưa ra thông tin trên tại Tọa đàm và gặp mặt báo chí nhân dịp Kỷ niệm 99 năm ngày Cách mạng Báo chí Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 19/6.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân Nguyễn Đức Tâm. (Ảnh: G.T)

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân Nguyễn Đức Tâm. (Ảnh: G.T)

Ông Nguyễn Đức Tâm cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2024.

Trong khi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, xuất khẩu… mặc dù đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.

Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với hàng hóa Việt Nam ở cả thị trường trong nước, quốc tế và cả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Đức Tâm cho rằng, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đã theo sát tình hình, kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành, đóng góp chung vào các kết quả tích cực của nền kinh tế trong các tháng đầu năm, thể hiện qua 6 nhóm kết quả. Cụ thể như:

Thứ nhất, tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 đạt 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%) và là mức tăng trưởng cao nhất ASEAN (Việt Nam tăng 5,66%, Indonesia tăng 5,11%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 2,7%, Thái Lan tăng 1,5%).

Thứ hai, tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng.

Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.

Thứ tư, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, Hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn".

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (Nguồn: AFP)

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (Nguồn: AFP)

Thứ năm, nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thứ sáu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp chíp, bán dẫn… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

"Các kết quả nêu trên là minh chứng rõ nét, khẳng định quan điểm, mục tiêu phát triển và các giải pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành thời gian qua là rất đúng đắn, kịp thời; tạo tâm thế bản lĩnh, tự tin để triển khai hiệu quả các giải pháp trong thời gian tới", Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân khẳng định.

Dù vậy, theo ông Tâm, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 4 vấn đề lớn như: Các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã phát triển bền vững hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông… vẫn là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những vấn đề nêu trên, thời gian tới, ông Nguyễn Đức Tâm thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tập trung tham mưu với Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới. Tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu.

Song song với đó, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình lạm phát, làm tốt công tác phân tích, dự báo để kịp thời tham mưu với Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý giá cả, bảo đảm kiểm soát lạm phát cả năm đạt cận dưới theo mục tiêu đề ra (4-4,5%). Tiếp tục chú trọng làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-co-hoi-sap-xep-lai-khong-gian-phat-trien-cua-viet-nam-275540.html