Thêm doanh nghiệp muốn nghiên cứu dự án cao tốc tại khu vực Tây Nguyên
Ngày 25.5, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay đã có doanh nghiệp đặt vấn đề nghiên cứu dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Trong văn bản đề xuất nghiên cứu dự án cao tốc trên, Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (gọi tắt là VIID) cho biết, công ty được thành lập bởi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), là những doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Cổ phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn vốn, đầu tư tài chính và đầu tư kinh doanh bất động sản.
Trong những năm qua, VIID đã làm chủ đầu tư nhiều dự án, đáng chú ý là Dự án đầu tư xây dựng đường Trịnh Xá - Đa Hội theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT) tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 22.5, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã nêu kiến nghị về triển khai dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ông cho biết lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định cùng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 160 km, tổng đầu tư 56.000 tỉ đồng, giúp kết nối ba địa phương.
Đồng thời, Đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai trước năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Gia Lai và các ngành liên quan nghiên cứu đầu tư đường cao tốc Gia Lai - Quy Nhơn bằng hình thức kết hợp công tư. Gia Lai chủ động nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng. Trung ương sẽ tiếp tục kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư.
Tuyến cao tốc Gia Lai - Quy Nhơn có điểm đầu giao quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku, trước đó đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên,
Dự án quy mô 4 làn xe, chạy song song quốc lộ 19, kinh phí dự kiến từ ngân sách, vốn vay ODA và thu hút nhiều nguồn khác. Giai đoạn một (2021-2025), tuyến sẽ làm trước hai làn, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, với kinh phí 40.000 tỉ đồng. Việc hoàn thành cao tốc sẽ được thực hiện đến năm 2030.
Nếu được Thủ tướng chấp thuận, đây là tuyến cao tốc thứ 5 kết nối Tây Nguyên. Bốn tuyến cao tốc khởi công giai đoạn 2021-2025 gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương; Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản số 5060/BGTVT-ĐTCT chấp thuận giao tập đoàn Vingroup và Công ty và Ngân hàng thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.
Theo đó, tập đoàn Vingroup và Techcombank có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên theo phương thức PPP; trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.